
Lực lượng ly khai "Những con hổ giải phóng Tamil" (LTTE) vừa chấp thuận đàm phán với Chính phủ Sri Lanka tại Geneva (Thuỵ Sĩ) vào giữa tháng 2 tới để bàn về việc thực hiện thoả thuận ngừng bắn giữa hai bên, vốn đã bị bế tắc trong gần 3 năm qua.

Thông báo trên được đưa ra sau cuộc gặp giữa Bộ trưởng Phát triển quốc tế Na Uy Erik Solheim và thủ lĩnh LTTE Velupillai Prabhakaran tại thị trấn Kilinochchi, khu vực do LTTE kiểm soát.
Ông Solheim cho rằng việc các bên xung đột ở Sri Lanka tán thành đàm phán là một bước có tính chất xây dựng trong quá trình tìm kiếm hòa bình cho quốc đảo này.
Ngay lập tức chính phủ Sri Lanka hoan nghênh việc LTTE quyết định trở lại bàn đàm phán và hy vọng sự khai thông này sẽ giúp chấm dứt cuộc xung đột kéo dài 2 thập kỷ qua giữa hai bên làm hơn 64.000 người thiệt mạng.
Mặc dù đã đạt được thoả thuận ngừng bắn hồi năm 2002, nhưng căng thẳng gần đây giữa Chính phủ và LTTE đã dẫn tới việc xảy ra hàng loạt vụ tấn công tình nghi là do LTTE gây ra ở miền Đông và miền Bắc nước này trong hai tháng qua làm hơn 200 người thiệt mạng.
Trong khi đó, 4 nghị sĩ thuộc Đảng Dân tộc thống nhất (UNP) đối lập đã chạy sang Liên minh nhân dân cầm quyền của Tổng thống Mahinda Rajapakse và chấp nhận giữ các chức bộ trưởng trong Chính phủ.
Hành động của 4 nghị sĩ đối lập này sẽ góp phần làm tăng sự ủng hộ đối với các nỗ lực hoà bình của Tổng thống Mahinda Rajapakse và giúp Tổng thống giảm bớt sự "phụ thuộc" vào đồng minh "Mặt trận giải phóng nhân dân" nắm 39 ghế trong Quốc hội có 225 ghế của nước này.
L.D (TTXVN, CNN & AFP)