Luật hóa cải cách thủ tục hành chính: Vì lợi ích hợp pháp của cá nhân và tổ chức

Tại hội thảo lấy ý kiến về Dự thảo Luật Thủ tục hành chính (TTHC) do Bộ Nội vụ tổ chức tại TP Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) mới đây, đại diện của các bộ ngành và địa phương đã nêu lên sự cần thiết phải sớm ban hành Luật TTHC. Đây là yêu cầu của tiến trình cải cách TTHC theo hướng công khai, minh bạch và vì lợi ích hợp pháp của cá nhân và tổ chức…
Luật hóa cải cách thủ tục hành chính: Vì lợi ích hợp pháp của cá nhân và tổ chức

Tại hội thảo lấy ý kiến về Dự thảo Luật Thủ tục hành chính (TTHC) do Bộ Nội vụ tổ chức tại TP Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) mới đây, đại diện của các bộ ngành và địa phương đã nêu lên sự cần thiết phải sớm ban hành Luật TTHC. Đây là yêu cầu của tiến trình cải cách TTHC theo hướng công khai, minh bạch và vì lợi ích hợp pháp của cá nhân và tổ chức…

Công khai hóa mọi TTHC

Dự thảo luật đã dành hẳn 10 điều chuyên về thực hiện TTHC, trong đó có nhiều nội dung thể hiện nguyên tắc công khai, minh bạch mọi TTHC, trừ những vấn đề liên quan đến bí mật nhà nước, bí mật cá nhân, bí mật thương mại và các bí mật khác theo quy định của pháp luật. Việc công khai TTHC được một số điều quy định phải thực hiện thường xuyên, liên tục, đúng địa chỉ, đúng đối tượng, khoa học và hợp lý.

Luật hóa cải cách thủ tục hành chính: Vì lợi ích hợp pháp của cá nhân và tổ chức ảnh 1

Tiếp nhận giải quyết hồ sơ nhà đất tại Phòng Tài nguyên - Môi trường quận 6. Ảnh: H.Nam

Đồng thời, cũng bảo đảm mọi thông tin về TTHC liên quan đến cá nhân và tổ chức được công khai đầy đủ, rõ ràng, dễ hiểu, dễ tiếp cận, dễ khai thác và dễ kiểm tra, giám sát. Bổ sung về những nội dung này, theo đại diện Sở Tư pháp tỉnh Đồng Nai, ngoài quy trình và thủ tục, địa điểm, thời gian và kết quả giải quyết, phí, lệ phí… luật phải công khai hóa họ tên, chức danh, số điện thoại của người có trách nhiệm giải quyết TTHC. Thực tế tại một số địa phương thời gian qua đã áp dụng nội dung công khai này tại các cơ quan hành chính và bước đầu có tác dụng ngăn ngừa nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà dân của cán bộ, công chức thừa hành công vụ.

Cũng liên quan đến việc công khai TTHC, ông Lê Hoài Trung, Phó Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM cho rằng, việc công bố TTHC hiện nay ở nhiều địa phương thiếu sự công khai, không đúng thẩm quyền ở một số lĩnh vực. Nghị quyết 38 của Ban Thường vụ Quốc hội chỉ cho phép HĐND tỉnh TP trực thuộc Trung ương được ban hành một số TTHC đối với các lĩnh vực mang tính đặc thù của địa phương, hoặc thực hiện nhiệm vụ được phân cấp. Trên thực tế, một số địa phương, kể cả cấp quận huyện đã tùy tiện quy định nhiều TTHC bất hợp lý, gây khó khăn người dân và chính cơ quan hành chính.

Do vậy, ông Trung đề nghị, Luật TTHC phải quy định thật chi tiết thẩm quyền ban hành TTHC của các cơ quan hành chính. Cơ quan hành chính không được tự đặt ra những TTHC ngoài quy định và phải thường xuyên công khai các TTHC trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên các trang thông tin điện tử và niêm yết tại nơi trực tiếp giải quyết TTHC để người dân biết và giám sát việc thực thi TTHC. 

 Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Văn Hùng, Phó Văn phòng UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đề nghị: Luật cần quy định thẩm quyền ban hành TTHC đối với các bộ ngành trung ương vì từ trước đến nay có tình trạng trong lúc chờ luật ban hành (thường là nghị định, thông tư…), nhiều nơi đã tự đặt ra TTHC để quản lý. Sự thiếu thống nhất này dẫn đến chồng chéo giữa TTHC của Chính phủ ban hành với các bộ ngành. Để tránh tình trạng này, ông Hùng cũng đề nghị Luật TTHC cần quy định mọi TTHC phải được công khai, bất kể là cấp nào, ngành nào và khi có sự thay đổi, bổ sung nhất thiết phải cho người dân biết.

Luật hóa công tác cải cách TTHC

Theo quy định trong một số điều của dự luật, việc ban hành TTHC phải thường xuyên gắn với công tác rà soát, đánh giá TTHC. Quá trình áp dụng trong thực tế, những TTHC nào không còn cần thiết, không hợp pháp, chi phí vật chất và thời gian thực hiện cao, chồng chéo, mâu thuẫn với các TTHC khác… phải được loại bỏ ngay. Muốn thực hiện được điều này, theo ông Nguyễn Cửu Việt, chuyên gia trong lĩnh vực cải cách TTHC, việc rà soát, đánh giá TTHC phải được quy định bắt buộc đối với các cơ quan có thẩm quyền ban hành TTHC và cả cơ quan thực thi TTHC. Nếu không có quy định này, sẽ dẫn đến tình trạng “dân cứ kêu, còn chính quyền cứ thực hiện”, bất chấp quyền lợi của cá nhân và tổ chức bị xâm hại vì những TTHC “hành” dân. 

 Theo đại diện UBND tỉnh Ninh Thuận, Dự thảo Luật TTHC quy định khá chi tiết về quyền và nghĩa vụ của cơ quan hành chính và tổ chức, cá nhân; trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan thực hiện TTHC; trách nhiệm của cán bộ, công chức được phân công thực hiện TTHC và quyền, trách nhiệm của cá nhân, tổ chức tham gia thực hiện TTHC.

Tuy nhiên, như vậy là chưa đủ và chưa mang tính ràng buộc pháp lý trong thực thi TTHC. Vì vậy, ông đề nghị phải thành lập một cơ quan đăng ký và quản lý TTHC để ban hành và giám sát các cơ quan hành chính từ trung ương đến địa phương trong việc thực thi TTHC đã được đăng ký. Khi xảy ra những vấn đề phát sinh trong thực thi TTHC, cơ quan này sẽ đứng ra phân xử, kiến nghị xử lý, hoặc khởi kiện ra tòa đối với cán bộ, công chức hoặc cơ quan hành chính có hành vi làm ảnh hưởng đến lợi ích hợp pháp của cá nhân và tổ chức trong quá trình thực thi TTHC. Đây chính là luật hóa thực hiện TTHC và nâng cao công tác cải cách TTHC của nền hành chính công theo hướng hiện đại, hiệu quả và phục vụ lợi ích công cộng một cách tốt nhất.

HOÀI NAM

Tin cùng chuyên mục