Quốc hội đang chuẩn bị thông qua Luật Hợp tác xã (HTX) sửa đổi. So với lần trước (khi QH thảo luận về Luật HTX 2003), lần này phản ứng của các HTX có phần gay gắt. Nhiều ý kiến cho rằng Đảng, Nhà nước chưa tổng kết 9 năm Luật HTX 2003 ra đời, chưa có đánh giá mặt được và chưa được của các HTX, Liên hiệp HTX trong cả nước để từ đó có cơ sở xem xét bổ sung sửa đổi Luật HTX cho phù hợp với những nguyên tắc tổ chức và hoạt động của phong trào HTX quốc tế và nhất là phù hợp với điều kiện cụ thể của phong trào HTX Việt Nam.
Từ địa phương có phong trào HTX mạnh như TPHCM, chúng tôi xin nêu một số vấn đề nhằm làm rõ hơn về những ý kiến khác nhau chung quanh dự thảo Luật HTX.
Luật HTX 1996 ra đời cùng với sự ra đời của Liên minh HTX từ Trung ương đến tỉnh, thành như cái phao cho các HTX sắp bị chết chìm, đã tạo phấn chấn, giúp phục hồi các tổ chức HTX còn có điều kiện hoạt động. Các HTX đã thực hiện chuyển đổi theo Luật HTX với những nội dung cơ bản theo một số nguyên tắc của HTX quốc tế.
Các HTX chuyển đổi đã có những chuyển biến tích cực như tăng vốn góp từ xã viên để đầu tư máy móc, thiết bị, phương tiện phục vụ sản xuất - kinh doanh. Để xã viên yên tâm góp vốn, các thành viên ban chủ nhiệm thường góp vốn nhiều, phần lớn xã viên góp vốn tối thiểu. Điều này có mặt tích cực là huy động được vốn và những người góp nhiều vốn có trách nhiệm hơn đến hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, số đông xã viên góp vốn tối thiểu hoặc góp ít vốn vẫn mang tâm lý người làm thuê, còn Ban chủ nhiệm góp nhiều vốn là những người quyết định trong quản lý điều hành.
Thiếu sót của Luật HTX 1996 và 2003 là đã thay tên HTX mua bán thành HTX thương mại. Do đó, phần lớn HTX mua bán đổi mục tiêu hoạt động, quan tâm kinh doanh để tạo lợi nhuận trả lương cho CBNV là xã viên, ít chú tâm phục vụ người tiêu dùng là xã viên cũ. Vì vậy các xã viên là các hộ dân trước đây không muốn tham gia HTX, xã viên tự nguyện góp vốn chủ yếu là những CBNV làm việc tại HTX.
Mô hình HTX tiểu công nghiệp - thủ công nghiệp, một số HTX nông nghiệp và HTX thương mại gần như là mô hình HTX của người lao động, tức HTX của những người trực tiếp quản lý và lao động (góp vốn và góp sức). Mục đích hoạt động nhằm sản xuất, chế biến nuôi trồng, kinh doanh những ngành nghề mà HTX có khả năng và lợi thế để cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu.
Đây là hình thức khá phổ biến ở nhiều nước, thu hút lao động phổ thông và cả lao động kỹ thuật có trình độ cao, như HTX của người sản xuất tiểu công nghiệp - thủ công nghiệp, dịch vụ bốc dỡ hàng hóa, dịch vụ vệ sinh môi trường, người mua bán nhỏ, thợ xây, lái taxi… HTX của các kiến trúc sư, kỹ sư điện toán… Họ vừa là chủ sở hữu vừa là người lao động trực tiếp. Ngoài tiền lương họ còn có thu nhập từ giá trị sản phẩm dịch vụ thu được, từ lãi chia trên vốn góp và các khoản phúc lợi khen thưởng khác.
Việc phân phối lãi như trên tạo động lực để họ tích cực lao động, tìm kiếm thị trường, phát triển hoạt động HTX ngày càng lớn hơn. Trong tình hình kinh tế nước ta hiện nay, giải quyết việc làm là một trong những ưu tiên của Nhà nước, cho nên các mô hình HTX lao động rất phù hợp. Dự thảo Luật HTX 2012 cũng đề cập đến HTX việc làm, tuy nhiên chưa làm rõ về định nghĩa, mục đích, phương thức hoạt động của nó.
Việc quy định tỷ lệ cung cấp sản phẩm dịch vụ ra thị trường ngoài thành viên, không phân biệt giữa HTX làm nhiệm vụ cung cấp sản phẩm dịch vụ hàng hóa cho thành viên như HTX nông nghiệp, HTX vận tải… với các HTX sản xuất kinh doanh để cung cấp cho thị trường như loại hình HTX TCN-TCN hoặc HTX bán lẻ phục vụ người tiêu dùng như Saigon Co.op.
Trong thời đại toàn cầu hóa hiện nay, việc hạn chế HTX cung cấp sản phẩm dịch vụ ra thị trường sẽ làm HTX kém sức cạnh tranh do sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ. Vì vậy, ngoài phần cung cấp cho nội bộ thành viên nên khuyến khích HTX khai thác tối đa công suất mặt bằng, nhà xưởng, thiết bị, phương tiện lao động để làm ra nhiều sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ có giá thành thấp, cung ứng cho thị trường, nâng cao sức cạnh tranh và đem lại lợi ích nhiều hơn cho thành viên và HTX.
Đây là điểm mới của Luật HTX 2012 nhưng cũng là điểm gây tranh cãi nhiều nhất vì chưa phù hợp với thực tế.
Luật cũng cần có những điều khoản để hạn chế BCN ít người nhưng chiếm vốn lớn trong khi số đông xã viên là người lao động, góp vốn chỉ “tượng trưng”. Điều này sẽ dẫn đến quan hệ chủ - thợ, quan hệ chủ cho vay - người đi vay, sai lệch ý nghĩa, bản chất của HTX.
Những người hoạt động HTX nước ngoài nói rằng: Cái khó nhất đối với HTX không phải vấn đề thiếu vốn mà là thiếu người quản lý có tầm nhìn của nhà doanh nghiệp và có trái tim của nhà hoạt động xã hội. Đây là vấn đề cốt lõi quyết định sự thành công của HTX, khó nhưng nhất thiết phải làm. Thế nên nếu Đảng, Nhà nước không có biện pháp lãnh đạo và hỗ trợ thì khó có được những tổ chức HTX mạnh để “cùng kinh tế nhà nước làm nền tảng cho nền kinh tế thị trường định hướng XHCN”.
Nguyễn Thị Nghĩa
Đại biểu Quốc hội khóa XI,
Nguyên Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam