Lương đủ sống, bao giờ?

(Nhân đọc bài: Điều chỉnh mức lương tối thiểu - Mức “sàn” bao nhiêu là hợp lý? trên Báo SGGP số ra ngày 10-8)

Hàng triệu công nhân đang chờ quyết định về việc ban hành mức lương tối thiểu mới với dự kiến được điều chỉnh tăng lên 30% - 40% so với hiện tại. Có thể nói đó là tin vui, nhưng dư luận nói chung và người lao động ở các doanh nghiệp nói riêng vẫn cho rằng mức này chưa đáp ứng nhu cầu, mức sống tối thiểu của người lao động.

Chúng ta đều biết, lương nhân công nước ta so với các nước trong khu vực còn khá thấp. Với bối cảnh kinh tế hiện nay thì liệu rằng mức lương mà chúng ta áp dụng như vậy đã hợp lý chưa? Theo tôi, việc điều chỉnh mức lương tối thiểu phải tránh rơi vào bẫy “giải pháp tạm thời”. Nếu không, điều chỉnh rồi lại rơi vào điệp khúc “điều chỉnh hàng năm”. Và rồi người thiệt thòi nhất vẫn là công nhân, người lao động.
 
Thiết nghĩ, những người có thẩm quyền hãy tìm hiểu kỹ đời sống thực tại của người lao động rồi hãy đưa ra mức tăng lương tối thiểu và biện pháp áp dụng sao cho phù hợp, để tạo sự cân bằng hơn trong thu nhập và mức sống của người dân, giảm khoảng cách chênh lệch giàu nghèo giữa các bộ phận lao động trong xã hội.

Phải tính toán xem cuộc sống của người lao động sau khi tăng lương có dư dả hơn không, hay lại khó khăn hơn khi lương chỉ tăng 20% mà giá cả tăng 30%? Công nhân không đòi hỏi quá đáng, lúc này họ chỉ yêu cầu một mức lương hợp lý đủ nuôi sống và tái tạo sức lao động của họ, có nghĩa mức lương tối thiểu phải đảm bảo được cuộc sống tối thiểu.

Ở đây cần có sự điều chỉnh, điều tiết của Nhà nước…

PHẠM TRẦN NGỌC DIỆP (đường Độc Lập, P.Tân Thành, Q.Tân Phú)

Tin cùng chuyên mục