Mang xuân ra xã đảo

Con đò tròng trành vượt trên sóng biển. Chỉ tay về phía một dãy đất chơ vơ nơi cửa biển, ông Lê Văn Thơm, Phó Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ (TPHCM), nói: “Đó là xã đảo Thạnh An. Lát đến nơi mọi người sẽ thấy, bà con ở xã này còn nghèo lắm. Phải dồn sức lo an sinh cho người dân rồi mới tính đến chuyện phát triển được”. Hôm nay, chuyện an sinh như ông nói đã thành hiện thực.
Mang xuân ra xã đảo

Con đò tròng trành vượt trên sóng biển. Chỉ tay về phía một dãy đất chơ vơ nơi cửa biển, ông Lê Văn Thơm, Phó Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ (TPHCM), nói: “Đó là xã đảo Thạnh An. Lát đến nơi mọi người sẽ thấy, bà con ở xã này còn nghèo lắm. Phải dồn sức lo an sinh cho người dân rồi mới tính đến chuyện phát triển được”. Hôm nay, chuyện an sinh như ông nói đã thành hiện thực.

  • Tết này có điện rồi!

Xã Thạnh An có 3 ấp. Năm ngoái, TP đã đầu tư lắp đặt pin mặt trời cho ấp Thiềng Liềng; còn 2 ấp Thạnh Hòa và Thạnh Bình với gần 1.000 hộ dân vẫn sử dụng nguồn điện từ máy phát điện, thời gian phát điện mỗi ngày chỉ 18 tiếng. Phải có đủ điện cho dân thì mới phát triển được sản xuất và đời sống, do vậy huyện đề nghị ngành điện lực hỗ trợ và mọi việc được lên phương án. 2 máy phát điện công suất 500kVA và các thiết bị phụ trợ trị giá 2,5 tỷ đồng được ngành điện đầu tư.

Cùng với 3 máy đang vận hành, trạm phát điện Thạnh An sẽ nâng tổng công suất lên 1.250kVA, đảm bảo cung cấp điện liên tục cho cả đảo. Hôm đầu tháng 2 ra Thạnh An làm lễ đóng điện, một lão nông ở bến đò Cần Thạnh kể: “Chà… tội nghiệp máy chú điện lực, hôm chuyển 2 máy phát điện ra đảo thật vất vả, phải huy động sà lan, cẩu. Mà nhờ vậy nên dân mới đỡ khổ”.

Ngày 1-2, ngành điện lực chính thức đóng điện 24/24 cho xã đảo Thạnh An. Không khí tại nhà văn hóa xã rất nhộn nhịp, các “nghệ sĩ” chân đất, áo còn lấm lem bùn, trổ tài ca 6 câu vọng cổ phục vụ khách mời từ huyện và TP. Âm thanh của dàn loa cũ kỹ nghe cứ rọt rẹt nhưng họ vẫn say sưa hát. Các chị em trong xã ngồi thưởng thức các tiết mục văn nghệ “cây nhà lá vườn”, ai cũng lộ rõ vẻ hân hoan: “Sướng nghen, tết này có điện, tha hồ mà hát”. Bí thư đồng thời là Chủ tịch UBND xã Võ Hoàng Kiệt vui vẻ nói: “Có điện như trong đất liền, thấy bà con vui, anh em cán bộ xã cũng mừng lắm”. Máy chạy dầu tốn kinh phí hơn nhưng điện vẫn bán giá nhà nước quy định. Để Thạnh An đủ điện, ngành điện lực lỗ mỗi năm vài tỷ đồng nhưng bù lại có nhiều cái được: bà con ở đảo có điện ổn định đời sống, các hoạt động sản xuất - dịch vụ nghề cá có điều kiện phát triển. Phát biểu chung vui với bà con Thạnh An, ông Lê Văn Thơm không quên dặn dò: “Có điện, đời sống sẽ phát triển nhưng mong bà con nhớ sử dụng điện tiết kiệm, dành điện cho sản xuất”.

  • Góp sức lo tết cho Thạnh An

Xã Thạnh An từng một thời được biết đến với biệt danh “đảo Rado”, nhiều người phất lên do tham gia dịch vụ đưa người vượt biên trái phép. Có tiền rủng rỉnh, ăn xài, bỏ biển, Thạnh An bây giờ có hơn 50% hộ nghèo.

Hơn 5 năm ra nhận nhiệm vụ lãnh đạo xã, anh Võ Hoàng Kiệt tâm sự: “Thấy bà con nghèo quá, mình cũng lo lắm. Xã tập trung tuyên truyền bà con tiết kiệm, tích cực lao động, bám biển để cải thiện cuộc sống”. Nhưng bám biển cũng bấp bênh, vì con tôm con cá cũng cạn dần, xã vận động bà con chuyển sang nuôi trồng thủy sản. Mấy năm nuôi hàu, tôm, cá… đời sống người dân chuyển biến rõ. Năm 2012 số hộ vượt nghèo, thoát nghèo vượt 145% chỉ tiêu. Từ 508 hộ nghèo, giờ chỉ còn 256 hộ nghèo, 109 hộ cận nghèo. Liệu việc giảm hộ nghèo có căn cơ? Anh Kiệt nói: “Phải ráng vận động bà con thôi. Tết này có điện, bà con vui rồi, không chỉ điện phục vụ cho sinh hoạt, mà còn để lo nuôi con tôm, lo cho hậu cần nghề cá lâu dài”.

Bà con Thạnh An mang tết về nhà.

Bà con Thạnh An mang tết về nhà.

TP lo, huyện lo, các ngành cũng góp sức lo tết cho Thạnh An. TP hỗ trợ 200 phần quà cho bà con nghèo ăn tết, 165 phần quà khác do các đơn vị, ban ngành tài trợ. Tất cả đã đến tay bà con. Chuyện đi lại cũng được quan tâm. Xã cùng trạm kiểm soát biên phòng chủ động làm việc với các chủ đò khách ở 2 đầu bến (Thạnh An và Cần Thạnh) để đảm bảo vận chuyển an toàn người và hàng hóa dịp tết. Mấy ngày cận tết, nếu lưu lượng khách đông thì sẽ cho tăng chuyến, không để ùn tắc.

Rồi chuyện đưa nước ngọt ra đảo cũng được lo toan chu đáo để bà con không bị thiếu nước do nhu cầu sử dụng tăng đột biến trong những ngày tết. Ngay cả chuyện thu gom rác, trực cấp cứu, vận động bà con treo lồng đèn trang trí, xử lý các trường hợp đốt pháo, nghiêm cấm tệ cờ bạc… đều được xã lên kế hoạch triển khai thực hiện.

“Bà con phấn khởi lắm!” - các cán bộ - nhân viên xã Thạnh An chỉ vắn tắt như vậy khi nói về việc chuẩn bị tết cho bà con. Một cái tết đủ đầy cho Thạnh An để bà con xã đảo không thiệt thòi. Một cái tết vui khởi đầu cho một năm được mùa, thoát nghèo là mong mỏi của nhiều người dân Thạnh An.

THƯ LÊ

Tin cùng chuyên mục