Manh nha “cách mạng màu” ở Brazil

Cảnh sát Brazil vừa phát hiện một vụ tham nhũng mới liên quan tới Bộ Tài chính nước này cùng 70 ngân hàng, các doanh nghiệp hoạt động trong ngành công nghiệp sản xuất thép, lắp ráp xe hơi và nông nghiệp. Với số tiền trốn thuế lên tới 6 tỷ USD, quy mô vụ tham nhũng này không kém vụ bê bối ở Tập đoàn Dầu khí quốc gia Petrobras.

Vụ việc mới có thể làm tình hình chính trị tại Brazil trở nên rối ren hơn khi bê bối tại Tập đoàn Dầu khí quốc gia Petrobras vẫn đang trong quá trình mở rộng điều tra. Tuy nhiên, một câu hỏi đang được dư luận quan tâm là liệu có ai đứng sau khiến cho tình hình Brazil trở nên rối ren như hiện nay? Tờ Rebelion đã có bài phân tích tố cáo các thế lực cánh hữu được Mỹ hậu thuẫn đang âm mưu lật đổ chính phủ hợp hiến của tổng thống theo đường lối cánh tả Dilma Rousseff.

Trung tuần tháng 3 vừa qua, khoảng 1,7 triệu người đã tham gia cuộc biểu tình do phe đối lập phát động tại thủ đô Brasilia và 26 thành phố ở Brazil đòi lật đổ Tổng thống Rousseff với cáo buộc bà Rousseff có lỗi trong vụ bê bối ở Tập đoàn Dầu khí quốc gia Petrobras. Phe cánh hữu Brazil không bao giờ chấp nhận những gì mà chính phủ của đảng Lao động (PT) của cựu Tổng thống Lula da Silva và Tổng thống Rousseff làm được suốt 12 năm qua. Họ tìm mọi cách để bôi nhọ những thành quả của PT. Các phương tiện truyền thông Brazil trở thành công cụ phục vụ cho phe đối lập bởi 14 tập đoàn gia đình, sở hữu tới 90% thị phần truyền thông ở Brazil, nắm vai trò chủ đạo trong phe này.

Điều này đồng nghĩa với việc báo chí ở nước này đã bóp méo sự thật cho phù hợp với lợi ích của phe đối lập, đổi trắng thay đen. Bất cứ sai lầm hay khó khăn nào của chính phủ, dù đúng hay sai, cũng trở thành một lý do kích động bất mãn trong nhân dân với mục đích lật đổ chính phủ. Với luận điệu cần bảo vệ nền dân chủ, việc lật đổ một chính phủ được bầu công khai với sự ủng hộ của đa số cử tri là điều quan trọng. Do đó, phe đối lập sẵn sàng sử dụng tất cả các phương tiện để thực hiện mục đích này.

Vẫn theo tờ Rebelion, nếu như phe đối lập lật đổ chính quyền thành công, Mỹ sẽ được hưởng lợi. Loại bỏ chính phủ của bà Rousseff sẽ ngăn cản sự liên kết của Brazil với Liên minh các quốc gia Nam Mỹ (UNASUR) và Cộng đồng các quốc gia Mỹ Latinh và Caribbean (CELAC), đồng thời làm suy yếu Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới BRICS (gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi). Về trung hạn, BRICS đe dọa quyền bá chủ của Mỹ cũng như hệ thống kinh tế thế giới nằm trong tay Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB) và Cục Dự trữ liên bang Mỹ. Cũng cần lưu tâm tới những tiết lộ của cựu nhân viên Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) Edward Snowden có trong văn bản “Đằng sau những hoạt động của CIA tại Brazil”. Tư liệu này nêu rõ mối quan tâm địa chính trị của Mỹ tại Brazil, đặc biệt là khối lượng dầu dự trữ ngoài khơi mới được phát hiện lên tới 100 tỷ thùng. Vấn đề ở đây là cả chính phủ của cựu Tổng thống Lula da Silva cũng như Tổng thống Rousseff đều muốn ký hợp đồng với Tập đoàn SINOPEC của Trung Quốc thay vì Tập đoàn Chevron của Mỹ.

Có thể nói, với việc bôi nhọ Chính phủ Brazil đương nhiệm, kích động người dân xuống đường phản đối chính quyền, phe đối lập đang âm mưu tạo ra một cuộc “cách mạng màu” ở quốc gia Nam Mỹ này.

ĐỖ CAO

Tin cùng chuyên mục