Tại các đô thị lớn ở nước ta, có nhiều cây xanh có giá trị về môi trường, môi sinh. Để bảo vệ cây xanh trên các tuyến đường trong mùa mưa bão, cần phải chủ động mé nhánh cây xanh. Tuy nhiên, nhiều nơi đã mé nhánh không đúng.
Mé nhánh là cắt bỏ bớt hợp lý một phần cành nhánh nhằm làm giảm lực cản gió để bảo vệ cây không bị sức gió mạnh quật ngã, nhưng không được làm cho cây bị suy yếu đi hoặc dẫn đến bị chết, nên phải nắm vững kỹ thuật và có lộ trình mé nhánh hàng năm cho từng tuyến đường, từng loại cây, sao cho không làm quá tổn thương đến sức sống từng cây xanh và mất đi vẻ mỹ quan của cả hàng cây, khiến chức năng thanh lọc môi trường cũng bị giảm sút.
Thông thường, khi một cành lớn bị cắt đi mà không có lá xanh tái sinh kịp thời thì hệ thống rễ liên quan sẽ không được cung cấp dinh dưỡng, cụm rễ đó sẽ chết làm giảm sức bám đất của cây vào những năm sau và phần thân cây liên quan nhánh đó cũng có thể sẽ bị bọng ruột dần từ bên trong và từ trên xuống theo tuổi cây. Chính vì thế, để bảo vệ chất lượng gỗ có giá trị của cây xanh và duy trì sức bám khỏe của hệ thống rễ, khi mé cần tránh cắt các nhánh cấp một nếu cây đã đạt chiều cao hợp lý (tức nhánh mọc từ thân chính), chỉ nên cắt 1/3 đến 1/2 nhánh cấp 2 trên 1/3 trong tổng số nhánh cấp 1 là đủ. Cây nào chưa phát triển đủ độ cao thì cũng chỉ nên cắt tối đa 1/3 nhánh cấp 1 ở những vị trí hợp lý, còn lại có thể cắt bổ sung ở những nhánh cấp 2 để giảm sức cản gió. Số cành phải cắt nêu trên chỉ tương đối, khi quyết định mé cành một cây nào cần phải dựa vào kinh nghiệm thực tiễn, nhìn tổng thể tàng lá, đánh giá khả năng chịu đựng sức gió cỡ nào của bộ rễ và chỉ định cắt những cành nào. Nguyên tắc cần tuân thủ là cắt sao cho gió có đường di chuyển thông thoáng cả phía dưới lẫn trên ngọn cây, không nên cắt trụi lũi từ dưới lên một đoạn, rồi chừa trên ngọn cả chùm tàng lá sum sê gió không có đường thoát cây sẽ vẫn dễ đổ ngã.
Kỹ sư NGUYỄN VĂN THƯỚC
(Liên hiệp Hội Khoa học và Kỹ thuật Cà Mau)