* Đề nghị mời cơ quan báo chí tham gia đoàn giám sát
(SGGPO).- Dự thảo Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sửa đổi đã được Quốc hội thông qua tại phiên họp toàn thể chiều 9-6, với 85,25% tổng số đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tán thành.
Cũng tại phiên họp này, Quốc hội đã thảo luận về dự án Luật Hoạt động giám sát của QH và HĐND. Nhiều ý kiến tại phiên họp cho rằng, các hình thức giám sát được quy định trong dự thảo luật là chưa đầy đủ, hạn chế quyền giám sát của ĐBQH.
ĐB Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) nêu vấn đề: “Tại sao dự thảo quy định ĐBQH chỉ được giám sát văn bản pháp luật và thực thi pháp luật ở địa phương? Đương nhiên ĐB ứng cử ở địa phương thì chủ yếu giám sát ở địa phương nhưng . ĐBQH là đại biểu của toàn quốc, vẫn phải có quyền giám sát các bộ, ngành. Hơn nữa, không lẽ ĐBQH chuyên trách ở trung ương thì cũng chỉ giám sát văn bản ở địa phương? Nếu chỉ giám sát ở địa phương thì làm sao chất vấn các vị lãnh đạo trung ương”? Bên cạnh đó, vẫn theo ĐB Bùi Mạnh Hùng, dự thảo còn thiếu một hoạt động giám sát rất quan trọng là kiến nghị bỏ phiếu tín nhiệm.
ĐB Trần Văn Tấn (Tiền Giang) thì cho rằng, giám sát văn bản pháp luật là một hoạt động giám sát quan trọng, nhưng cần quy định rõ những văn bản nào thuộc quyền giám sát của ĐBQH.
Nêu yêu cầu nâng cao chất lượng giám sát, ĐB Lê Văn Tân (Hà Nam) nhận định: “Vấn đề đặt ra là giám sát xong có nêu đích danh được đối tượng chịu trách nhiệm hay không, kiến nghị sau giám sát có được thực hiện nghiêm hay không? Qua thực tế thì thấy có những vấn đề sau giám sát thực hiện tương đối tốt như việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, tai nạn giao thông…, nhưng cũng có không ít vấn đề không có chuyển biến, thậm chí diễn biến tồi tệ hơn như tình trạng ô nhiễm môi trường làng nghề, vệ sinh an toàn thực phẩm không đảm bảo”.
ĐB Lê Văn Tân đề nghị dự thảo Luật quy định rõ hơn trách nhiệm chính trị của người đứng đầu các cấp, ngành, lĩnh vực trong việc thực hiện nghị quyết giám sát của QH, HĐND. Đồng thời, cần nêu rõ vào Luật yêu cầu trong quá trình giám sát bắt buộc phải đi thực tế; thành viên đoàn giám sát phải có các chuyên gia hiểu biết sâu về ngành, lĩnh vực giám sát; đại diện các cơ quan báo chí. Sau giám sát, phải thông tin đầy đủ kết quả trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Về chủ thể giám sát, ĐB Trương Thị Ánh (TPHCM) đề nghị bổ sung tổ ĐBHĐND là một chủ thể giám sát. Phạm vi giám sát của tổ ĐB HĐND là việc thi hành pháp luật tại địa phương và giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo…
Theo dự kiến, dự án Luật Hoạt động giám sát của QH và HĐND được QH cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp này và sẽ được xem xét, thông qua tại kỳ họp sau.
* Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc phiên họp QH sáng 9-6 đã kết thúc rất sớm, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết: “Do ĐB thấy việc chuẩn bị chu đáo, thuyết phục rồi nên không cần có ý kiến thêm mà chỉ chờ Đoàn thư ký kỳ họp gửi phiếu xin ý kiến để lựa chọn nội dung giám sát cho nhiệm kỳ sau. Từ kỳ họp thứ nhất đến giờ, đây có lẽ là lần đầu tiên trình ra xin ý kiến về chương trình giám sát thì được ĐBQH đồng tình rất cao”.
Ông Nguyễn Hạnh Phúc cũng nhận định, không nhất thiết chỉ tại các phiên họp ở hội trường, mà ĐBQH phát biểu ở đâu cũng đều có giá trị như nhau. Dù phát biểu trong hay ngoài kỳ họp, ở tổ hay trong đoàn ĐBQH, ý kiến ĐBQH đều sẽ được tập hợp, ghi nhận để chuyển đến các cơ quan trình và thẩm tra các dự án để tiếp thu.
Về khả năng linh hoạt, kéo dài thời lượng cho các nội dung khác khi còn thừa thời gian như tại phiên họp này, ông Phúc cho biết, đây là việc không dễ thực hiện, vì còn liên quan đến sự chuẩn bị của các cơ quan trình, thẩm tra báo cáo. Mặt khác, Chương trình nghị sự của kỳ họp cũng đã được QH biểu quyết thông qua tại phiên họp trù bị, nên khó có thể thay đổi.
ANH PHƯƠNG