Mối lo từ xe “3 không”

Nạn nhân của xe “3 không”
Mối lo từ xe “3 không”

Gần đây, TPHCM xuất hiện nhiều xe máy “3 không” (không đèn, không kèn, không giấy tờ) ngang nhiên lưu thông trên đường phố. Loại xe này được các chủ kinh doanh - dịch vụ trang bị cho nhân viên chở gas, nước đá, nước ngọt…

Xe “3 không” tại bãi giữ xe vi phạm Công viên 23-9.

Xe “3 không” tại bãi giữ xe vi phạm Công viên 23-9.

Nạn nhân của xe “3 không”

Ông Trần Ngọc Phúc, 42 tuổi, nhà ở đường Huỳnh Tấn Phát (quận 7) kể về chuyện trở thành nạn nhân của xe “3 không”: “Tôi ghé ăn phở ở một quán vỉa hè đường Nguyễn Thiện Thuật (quận 3), dựng xe ở lề đường gần đó. Đột nhiên, một thanh niên điều khiển xe máy chở nước đá tông thẳng vào xe của tôi. Cú va chạm quá mạnh khiến cái chụp đèn, vè, bửng chiếc Honda Lead của tôi bị bể tan tành. Anh thanh niên run lẩy bẩy, luống cuống không sao dựng chiếc xe của tôi lên được. Gây tai nạn hư xe thì phải đền, mặt mày xanh lè, anh thanh niên nài nỉ vì không có tiền và xin đền bằng... chiếc xe máy không đèn, không kèn, không có đồng hồ tốc độ, sườn sét đến không còn chút màu sơn, hàn chằng chịt, yên rách nát. Chắc chắn xe này không có giấy tờ và chẳng ai dám lấy để cấn nợ. Tôi đành ngậm ngùi để anh thanh niên đi, rồi tự mang xe mình đi sửa, tổng cộng hết 3 triệu đồng”.

Bạn đọc Vũ Kim Liên, 31 tuổi, nhà ở đường Cách Mạng Tháng Tám (quận 3) cũng phản ánh bị gặp nạn với xe “3 không” khi dừng xe trước giao lộ lúc đèn đỏ. Chị Liên kể: Trên đường đến cơ quan, tôi dừng xe ở cột đèn tín hiệu giao thông ngã tư đường Trần Phú - Lê Hồng Phong. Còn hơn 15 giây nữa mới hết tín hiệu đèn đỏ, bỗng tôi nghe tiếng va đập từ phía sau. Chiếc xe của tôi trờ lên phía trước lảo đảo, nhưng may mà không ngã. Tôi quay lại mới biết xe mình bị một thanh niên đi xe máy cũ nát chở bình gas tông từ phía sau. Chiếc xe SH tôi mới mua chưa đầy tháng đã bị hư hỏng khá nặng, chụp đèn sau tan tành, biển số cong vòng… Anh thanh niên vội đẩy xe của tôi vào lề và năn nỉ xin lỗi vì xe của anh thắng không ăn mà cũng chẳng có tiền đền. Tôi đành chịu, còn nghĩ rằng mình may mà chưa chết. Những chiếc xe không an toàn như vậy mà vẫn lưu thông trên đường thì thật tai họa.

CSGT cũng chào thua

Nghị định 92/CP đã quy định rõ niên hạn sử dụng đối với các loại phương tiện ô tô tải, ô tô chở người và Quyết định 50/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng mới ban hành ngày 9-8-2013 đã quy định về thu hồi và xử lý sản phẩm thải bỏ. Thế nhưng, đến nay vẫn chưa thấy quy định về niên hạn sử dụng của xe máy. Một dạo, vấn đề này được đề cập nhưng có dư luận cho rằng quy định như vậy sẽ khiến nhiều người nghèo mất phương tiện đi lại, kiếm sống. Đến nay, chưa có ai thống kê có bao nhiêu chiếc xe “3 không” đang tham gia lưu thông trên các tuyến đường. Chỉ biết rằng, cứ có đại lý gas, cửa hàng nước đá mới mở ra thì có thêm vài chiếc xe máy “3 không” được trang bị cho các nhân viên giao hàng.

Ông Lê Khánh, thợ sửa xe trên đường Nguyễn Cư Trinh (quận 1) cho biết: Phần đông các loại xe “3 không” là xe máy được sản xuất từ năm 1980 về trước. Thời đó phần đông là xe “nghĩa địa” (xe cũ ở nước ngoài đã bỏ đi) được các đại lý hùn nhau mua nguyên kiện hàng và vận chuyển về nước ta. Xe quá cũ, đã bỏ ở bãi xe không biết bao lâu, rồi để dưới hầm tàu cả tháng nên sườn thường bị mục. Lúc đó đã tệ như vậy rồi, huống chi là bây giờ. Nay các chủ đại lý bán gas, nước đá… mua về, rồi đưa ra tiệm sửa xe, gắn đại cái máy trôi giạt nào đó để chạy, hầu hết loại xe này không có giấy tờ.

Xe không giấy tờ, không đảm bảo an toàn giao thông, trị giá xe chỉ 1 - 2 triệu đồng nên thấy hiệu lệnh dừng xe, người vi phạm dửng dưng tấp xe vào lề. Không cần đợi CSGT yêu cầu xuất trình giấy tờ, người vi phạm bỏ xe và đi thẳng đến… mấy anh xe ôm ở gần đó. Do vậy, các bãi giữ xe vi phạm càng ngày càng chật bởi các loại xe “3 không”. Tại bãi giữ xe vi phạm ở Công viên 23-9, quận 1, TPHCM, loại xe này có khu vực để riêng biệt và cứ lâu lâu lại phải thanh lý vì không ai đóng phạt để lấy xe về.

Theo quy định, việc xử lý các loại xe “3 không” rất phức tạp. Dù biết chắc rằng các loại phương tiện đó không có một tờ giấy nào cả, nhưng CSGT phải xác minh nguồn gốc xe. Mà muốn vậy thì CSGT phải cho cà số sườn, số máy (dù biết chắc  hầu hết các xe đều không có số sườn, số máy, hay vì lý do nào đó các số này đã bị mờ hay bị đục đẽo…). Từ kết quả đó, CSGT đề xuất trưng cầu giám định và cuối cùng là đi xác minh. Chủ phương tiện ở TPHCM còn đỡ, nếu xe có nguồn gốc ở các tỉnh, thành khác thì CSGT phải làm công văn gửi công an các tỉnh, thành để nhờ xác minh. Có lẽ vì thủ tục quá nhiêu khê, phức tạp, nên CSGT không “mặn mà” xử lý các loại xe này. Và thế là xe “3 không” hiện vẫn cứ lưu hành bình thường và tiếp tục gây nhiều hiểm họa cho người tham gia giao thông.

ĐOÀN HIỆP

Tin cùng chuyên mục