Mong đại biểu Quốc hội nói tiếng nói của dân

Thời gian gần đây, dư luận cử tri không hài lòng về phát biểu của một số đại biểu Quốc hội tại diễn đàn kỳ họp. Có đại biểu chỉ nêu ý kiến chung chung; có đại biểu cầm giấy đọc một cách thiếu cảm xúc, nội dung dù được chuẩn bị trước cũng không có gì mới mẻ, gây chán nản cho người nghe trong buổi thảo luận có truyền hình trực tiếp.

Thời gian gần đây, dư luận cử tri không hài lòng về phát biểu của một số đại biểu Quốc hội tại diễn đàn kỳ họp. Có đại biểu chỉ nêu ý kiến chung chung; có đại biểu cầm giấy đọc một cách thiếu cảm xúc, nội dung dù được chuẩn bị trước cũng không có gì mới mẻ, gây chán nản cho người nghe trong buổi thảo luận có truyền hình trực tiếp.

Có đại biểu nêu ý kiến chủ quan, không được dư luận đồng thuận, bởi không bám sát thực tiễn cuộc sống, chưa thể hiện nhu cầu chính đáng của nhân dân, như đề nghị chưa nên luật hóa quyền im lặng của người tham gia tố tụng, nên luật hóa việc đặt tên... Ngoài diễn đàn kỳ họp Quốc hội, lại có đại biểu có ứng xử không phù hợp, không chỉ giữa các đại biểu với nhau mà còn với cử tri…, lời lẽ xách mé, xúc phạm đại biểu có ý kiến khác với quan điểm của mình, đặt vấn đề gây tranh luận, bất đồng trong giới luật sư…

Qua đó cũng thấy, đòi hỏi của người dân đối với đại biểu Quốc hội là rất cao, không chỉ về tư cách, đạo đức, phẩm chất, kỹ năng phát biểu, kỹ năng phản biện… mà còn phải bám sát cuộc sống, phản ánh đúng tâm tư, nguyện vọng và đòi hỏi chính đáng của nhân dân, mạnh dạn, thẳng thắn, trung thực với các vấn đề thực tiễn đang đặt ra, sao cho đáp ứng một cách tốt nhất lợi ích của nhân dân. Từ đó mới thấy rằng, để nói tiếng nói của nhân dân, người đại biểu Quốc hội cần phải làm việc nhiều hơn, trách nhiệm hơn, hiệu quả hơn.

Đại biểu không thể chỉ thu thập ý kiến của cử tri thông qua các cuộc tiếp xúc trước và sau mỗi kỳ họp Quốc hội, mà còn phải lắng nghe phản ánh của nhân dân qua báo chí, qua việc thụ lý các hồ sơ khiếu kiện, qua nắm bắt trực tiếp… và kể cả qua các kênh phi truyền thống khác, như qua các diễn đàn, qua mạng xã hội…

Đại biểu Quốc hội không chỉ lắng nghe nguyện vọng, phản ánh của cử tri nơi mình ứng cử mà phải chú ý cả ý kiến của nhân dân trong cả nước, nhất là với các vấn đề bức xúc, các đòi hỏi chính đáng của người dân, để phản ánh với Quốc hội, để đấu tranh, phản biện với các cơ quan thẩm quyền có liên quan.

Đại biểu Quốc hội phải thể hiện tính chiến đấu cao, thấy việc đúng phải bảo vệ, thấy sai phải đấu tranh, kể cả trong trường hợp có “đụng chạm” đến một số cơ quan, đơn vị có liên hệ với cơ quan mà đại biểu đang công tác. Đại biểu Quốc hội phải thể hiện hiểu biết đầy đủ về vấn đề mình nêu lên, tránh phát biểu theo kiểu vuốt đuôi, xuê xoa, ba phải… bởi ý kiến đó chẳng những không giải quyết được vấn đề mà còn gây phản ứng không tốt trong nhân dân…

Đại biểu Quốc hội nói được tiếng nói của cử tri là một đòi hỏi chính đáng của nhân dân. Tức là, người đại biểu phải nắm bắt được đúng nguyện vọng, đòi hỏi của nhân dân, phản ánh đúng thực tiễn của cuộc sống, đồng thời mạnh dạn, sẵn sàng nêu ý kiến đó trước diễn đàn Quốc hội, trước các cấp, các ngành, cũng như đi đến cùng sự việc nếu thấy điều đó là cần thiết và có lợi ích thiết thực cho nhân dân.

Đất nước ngày càng phát triển, trình độ dân trí ngày càng cao nên đòi hỏi về trình độ, phẩm chất, trách nhiệm của đại biểu Quốc hội cũng ngày càng lớn để đáp ứng được kỳ vọng của nhân dân.

VÂN TÂM

Tin cùng chuyên mục