Trong thời gian vừa qua, chúng ta đã thường được nghe nói đết quyết tâm của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc là Chính phủ sẽ “xây dựng một chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động vì sự phát triển của người dân và doanh nghiệp”. Quả vậy, nếu Đảng, Nhà nước và Chính phủ ta thực sự tạo dựng được một chính phủ như vậy thì đất nước chúng ta sẽ có sự thay đổi về kinh tế - xã hội một cách tích cực. Bởi vì nếu chúng ta quyết tâm xây dựng một chính phủ kiến tạo và liêm chính thì đó đã là một sự đổi mới, một sự thay đổi khá căn bản để đưa đất nước tiến lên phía trước.
Tại sao phải là một chính phủ kiến tạo? Rõ ràng là trước đây có lúc có nơi chúng ta đã thấy những biểu hiện mang màu sắc ban phát các nguồn lực, mà điển hình là sự dai dẳng của cơ chế xin cho. Do sự ban phát và cơ chế xin cho ấy đã dẫn đến sự bất bình đẳng trong hoạt động sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác nhau, mà biểu hiện rõ nhất chính là lợi ích nhóm khi chỉ có một số nhóm doanh nghiệp được ưu đãi những nguồn lực tốt, trong khi đa số còn lại thì chịu nhiều thiệt thòi hơn. Do đó, khi chúng ta quyết tâm xây dựng một chính phủ kiến tạo thì có nghĩa chúng ta sẽ từ bỏ tư tưởng ban phát, cơ chế xin cho, vì lúc ấy Chính phủ sẽ tạo dựng ra những cơ chế, những chính sách, những khung pháp lý để mọi thành phần dân chúng, doanh nghiệp có thể đi một cách bình đẳng với nhau mà không có bất cứ sự ưu ái nào.
Một chính phủ kiến tạo buộc phải đi kèm với sự liêm chính. Sự liêm chính của Chính phủ không nằm ở những tuyên ngôn, mà hiển hiện ở từng ứng xử, từng hành động trong hoạt động công vụ hàng ngày của các viên chức Chính phủ từ cấp phường - xã, quận - huyện cho đến tỉnh - thành phố - trung ương. Những ứng xử, hành động liêm chính là gì nếu không phải đó là lối ứng xử trung thực, ngay thẳng, đúng luật, đúng chuẩn mực xã hội, đúng với vai trò “người công bộc của nhân dân”. Có nghĩa là một chính phủ liêm chính là một chính phủ mà từng thành viên từ cấp thấp nhất đến cấp cao nhất phải nói không với sự nhũng nhiễu, với tham nhũng và phải hành xử theo nguyên tắc vì lợi ích của người dân, của doanh nghiệp nói riêng và lợi ích của đất nước nói chung.
Do đó, trong năm 2017 này, người dân và doanh nghiệp mong muốn một chính phủ kiến tạo và liêm chính trở thành hiện thực trong đời sống hàng ngày. Sự cảm nhận thật sự ấy về một chính phủ kiến tạo và liêm chính sẽ được đo lường một cách cụ thể qua sự đánh giá của người dân và doanh nghiệp thông qua những cuộc khảo sát mà chúng ta cũng như các tổ chức quốc tế cùng phối hợp thực hiện trong thời gian vừa qua.
LÊ MINH TIẾN
(Đại học Mở TPHCM)