Giải tỏa lòng lề đường là nỗi băn khoăn của tôi bấy lâu nay. Băn khoăn bởi vì đây là vấn đề nghịch lý. Thực hiện được yêu cầu “Thành phố văn minh, sạch đẹp” đúng là việc cần thiết, nhưng giải quyết đời sống cho hàng vạn bà con nghèo dựa vào vỉa hè để sống thì làm sao đây?
Vừa rồi Báo SGGP số ra ngày 30-7-2008 có đăng bài phát biểu của Chủ tịch Hội đồng Nhân dân TP Phạm Phương Thảo, tôi xúc động đến ứa nước mắt (người già hay xúc động mà), khi đọc đến những dòng “Phía sau mỗi gánh hàng rong là cả số phận của một con người, một gia đình…”.
Tôi mường tượng hình ảnh những chị em phụ nữ oằn vai dưới những gánh hàng rong dầu dãi nắng mưa, để từ đó chắt chiu, dành dụm được những đồng tiền ít ỏi, nuôi con khôn lớn, cho con cái được học hành. Và tôi lại hình dung biết bao những cháu bé con nhà nghèo chăm ngoan, học giỏi, trở thành người tài xây dựng đất nước đã bắt nguồn từ gánh hàng của những bà mẹ tảo tần, lam lũ.
Phải làm gì để giải quyết nghịch lý: giải tỏa lòng lề đường đi đôi với việc giải quyết đời sống của những người bán hàng rong? Trong khi tôi đang băn khoăn thì qua Báo SGGP, với lời phát biểu của chị Phạm Phương Thảo, tôi đã thấy được lời giải đáp: “Quyết định sắp xếp vỉa hè là việc làm cần phải có sự tính toán thật phù hợp, vì ở đây là nơi sinh kế của không ít người nghèo… Đó là vấn đề không thể đơn thuần áp dụng biện pháp hành chính là cấm hay cho, mà phải có những phương thức giúp bà con ổn định cuộc sống, để từ đó chính bà con sẽ góp phần làm cho thành phố chúng ta đẹp hơn”.
Hoan nghênh ý tưởng của chị Phương Thảo, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân, người đại diện cho tiếng nói của cử tri TP. Tôi hoan nghênh bởi vì ý tưởng đó rất phù hợp với mục tiêu xuyên suốt của Đảng ta (Đảng Cộng sản Việt Nam) kể từ khi thành lập, đó là mục tiêu giải phóng dân tộc đi đôi với giải phóng nhân dân lao động, giải phóng lớp người “cực khổ, bần hàn”.
Hy vọng ý tưởng đáng trân trọng này được Thành ủy, Ủy ban Nhân dân thành phố quan tâm, để biến nó thành hiện thực với ý nghĩa được lòng dân nhất.
Lưu Trọng Lân