Qua thông tin báo chí cho hay, đến nay đã có nhiều tỉnh như Bình Dương, Lâm Đồng, Bình Thuận, Kon Tum, Yên Bái, Quảng Ngãi… công bố việc sẵn sàng mua thông tin phục vụ công tác phòng chống tham nhũng tại địa phương. Theo đó, tùy tính chất vụ việc và chất lượng thông tin, mỗi thông tin cung cấp sẽ được Ban nội chính tỉnh chi trả từ 500 ngàn đến 10 triệu đồng (kinh phí chi trả từ ngân sách nhà nước).
Thật ra, bất cứ người dân lương thiện nào cũng đều căm ghét tham nhũng, vì đây chính là đầu mối tạo ra bất công xã hội, làm tàn hại đất nước. Những kẻ tham nhũng luôn sẵn sàng xâm hại quyền lợi đất nước và nhân dân, bòn rút tài sản quốc gia, góp phần làm nghèo số đông để riêng họ - cùng phe nhóm - có được cuộc sống phè phỡn, vinh thân phì gia. Tuy nhiên, tố giác tham nhũng không phải là chuyện dễ, vì khó có được bằng chứng cụ thể. Cũng có khi có bằng chứng, nhưng chưa chắc đối tượng sẽ bị xử lý đến nơi đến chốn, mà ngược lại người tố giác có thể bị trù dập, trả thù, dẫn đến hậu quả khó lường, bởi vì hầu hết bọn tham nhũng “gộc” đều có bè cánh, thế lực che chắn rất vững vàng. Cho nên, động viên, khen thưởng và bảo vệ người đứng ra tố giác tham nhũng là việc cần thiết phải làm. Song khen thưởng bằng cách bỏ tiền ngân sách ra để mua tin, theo tôi, chỉ là “hạ sách”. Về “trung sách”, nên có chính sách trích phần trăm tài sản thu hồi được từ kẻ tham nhũng để thưởng cho người tố giác. Thưởng sau như vậy vừa có ý nghĩa công nhận công trạng, mà giá trị tiền thưởng lớn hơn 10 triệu đồng, động viên tinh thần mọi người nhiều hơn. Còn về “thượng sách”, nên kiên trì phấn đấu thực hiện cho được “3 không” trong cán bộ công chức: không muốn, không cần và không dám tham nhũng. Đừng để ngân sách nhà nước phải bỏ tiền ra dài dài để mua tin tố giác tham nhũng, nhưng lâu lâu mới xử được một vụ.
PHAN TRỌNG HIỀN (Bình Thạnh, TPHCM)