Thông tin trên truyền hình VTV1 đêm 8-3 cho thấy, tình hình mua bán ngoại tệ tại các tiệm vàng ở địa bàn Hà Nội đã trở nên “êm đềm” lạ thường, giá USD giao dịch ngoài thị trường tự do đã giảm nhiệt so với những ngày trước đây. Theo bình luận của đài, điều này có được là do các chính sách mạnh tay của Chính phủ, đặc biệt là Ngân hàng Nhà nước, nhằm tiến tới bình ổn thị trường vàng, ngoại tệ và hướng tới dẹp bỏ tình trạng hai giá trong giao dịch ngoại tệ.
Sáng 9-3, các phương tiện thông tin đại chúng tại TPHCM đưa tin, tình hình giao dịch ngoại tệ tại các tiệm vàng ở thị trường TPHCM cũng ảm đạm như trước đó ở Hà Nội. Nhiều tiệm vàng đã “rút vào bí mật” ngưng giao dịch công khai, còn các cơ quan chức năng khẳng định “sẽ mạnh tay hơn” với các trường hợp giao dịch USD trái phép. Phát biểu trên các phương tiện truyền thông, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM, khẳng định ngoài việc xử phạt vi phạm hành chính những điểm giao dịch ngoại tệ trái phép còn có thể cho phép tịch thu tang vật để tăng mức độ răn đe.
Là một người có con đi du học, tôi rất mừng trước chủ trương của nhà nước là tiến tới dẹp bỏ tình trạng hai giá trong giao dịch ngoại tệ và sẵn sàng cung ứng đủ nguồn ngoại tệ cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, du học sinh, người có nhu cầu chữa bệnh nước ngoài… Cũng theo ông Minh phát biểu trên một tờ báo phát hành sáng 9-3: “Người có nhu cầu USD hợp pháp (đi nước ngoài chữa bệnh, du học…) có thể đem những giấy tờ hợp pháp đến các ngân hàng yêu cầu mua USD”.
Sau khi đọc được thông tin này, tôi ghé vào Ngân hàng ACB, chi nhánh Phan Đăng Lưu, hỏi việc mua USD để chuyển tiền cho con đang du học. Anh nhân viên trẻ ở bộ phận nhìn tôi, cười cười: “Báo đăng vậy thôi, chứ ở đây không có nguồn để bán đâu, chú ơi…”. Tôi cật vấn: “Lãnh đạo ngành ngân hàng tuyên bố như vậy, còn ngoài thị trường chợ đen thì không bán, vô ngân hàng cũng không bán nốt, vậy tôi phải mua ở đâu?”. Thấy tôi hơi “căng”, một chị có vẻ là sếp bộ phận này, quay sang hỏi: “Chú định chuyển bao nhiêu?”. Tôi nói là ngân hàng có bán ngoại tệ không thì phải nói rõ ràng thì tôi mới biết mà tính chuyển bao nhiêu. Cuối cùng, anh nhân viên trẻ nói tôi cho số điện thoại: “Khi nào có doanh nghiệp bán USD, ngân hàng thu mua được, cháu sẽ gọi cho chú (?)”.
Phát biểu của ông Minh dường như thiếu một vế: Những người có nhu cầu mua USD hợp pháp nên đến ngân hàng để mua nhưng nếu ngân hàng không bán hoặc “không có nguồn” thì phải mua ở đâu? Thực ra, đây không phải là lần đầu lãnh đạo ngành ngân hàng tuyên bố “mạnh tay” với giao dịch ngoại tệ ở thị trường chợ đen. Những biện pháp hành chính là cần thiết nhưng chưa đủ. Muốn dẹp bỏ chợ đen thì phải có nguồn cung để bơm vào thị trường, nếu không sẽ là cách làm “đầu voi đuôi chuột”, tái diễn tình trạng như từng xảy ra: mua chui bán lậu và thị trường chợ đen sẽ chờ cơ hội để đẩy giá lên, tạo sốt.
Nhiều lãnh đạo ngành ngân hàng và một số chuyên gia kinh tế từng cho rằng, giao dịch ngoại tệ trên thị trường chợ đen là không đáng kể, vậy tại sao người có nhu cầu mua USD hợp pháp vẫn không mua được USD trong ngân hàng và thường phải nghe “điệp khúc”… không có nguồn ?!
Ngoài các doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu, số lượng du học sinh Việt Nam tại các nước là không nhỏ. Riêng số du học sinh Việt Nam tại Mỹ hiện đã lên đến gần 12.000, tập trung nhiều ở phía Nam, đặc biệt là TPHCM. Nếu chỉ tính mỗi em chi phí khoảng 10.000 USD/năm (bao gồm học phí, sinh hoạt phí…) thì tổng số ngoại tệ là không hề nhỏ. Cuối cùng, để giải quyết nhu cầu cá nhân, họ đành phải lén lút mua chui, nộp vào ngân hàng để chuyển tiền cho du học sinh và phải đóng thêm “phí nộp ngoại tệ” cho ngân hàng. Ai có lợi? Chỉ có người chuyển tiền bị thiệt trăm bề và niềm tin vào “sự mạnh tay của ngành ngân hàng” “xóa thói quen cất trữ USD” bị rạn nứt.
Nếu cơ quan chức năng chỉ đơn thuần “mạnh tay” bằng các biện pháp hành chính, còn ngân hàng vẫn hát bài “không có nguồn” thì rõ ràng đã đẩy những người có nhu cầu mua USD hợp pháp vào thế khó và kỳ vọng tiến tới xóa bỏ hai giá trong giao dịch sẽ khó thành hiện thực…
ANH LỄ (Bình Thạnh)