
- Bệnh viện ngoài công lập nên tham gia điều trị bằng thẻ BHYT

Người khám bệnh bằng thẻ BHYT chờ lấy thuốc ở Trung tâm cấp cứu Trưng Vương. Ảnh: H.T.
Tôi thấy sẽ rất khó thực hiện chủ trương tất cả mọi người đều phải tham gia Bảo hiểm y tế (BHYT) vào năm 2014 như Báo SGGP ngày 27-5-2008 đã đề cập về việc Quốc hội thảo luận dự án Luật Bảo hiểm y tế vì tỷ lệ hộ nghèo ở VN còn rất cao, nhất là các địa phương vùng sâu vùng xa.
Ngoài lý do nguồn thu nhập thấp và không ổn định còn một lý do khác cũng rất quan trọng đó là BHYT chưa thu hút người dân, vì chất lượng khám chữa bệnh chưa đảm bảo và người khám chữa bệnh bằng thẻ phải qua nhiều thủ tục, mất thời gian.
Hiện nay, hầu hết số người tham gia BHYT đều khám và điều trị bệnh tại các bệnh viện (BV) công mà những nơi này luôn trong tình trạng quá tải. Là người khám chữa bệnh bằng thẻ BHYT tại BV Nguyễn Trãi, tôi thấy mỗi ngày có hàng ngàn lượt người đến khám và điều trị bệnh, trong đó có rất đông người có thẻ BHYT.
Do số người đến khám và chữa bệnh quá đông, nên thời gian dành cho bệnh nhân của các thầy thuốc rất ít, trong khi thời gian phải chờ đợi của họ lại quá dài. Để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh bằng thẻ BHYT, tôi thấy nên giao cho các BV ngoài công lập cùng tham gia khám, điều trị bệnh bằng thẻ BHYT. Như thế tình trạng “độc quyền” và quá tải ở các bệnh viện công sẽ giảm, người bệnh sẽ hài lòng hơn khi tham gia BHYT.
B.H. (TPHCM)
- Tính đúng, tính đủ viện phí
Trong tình hình kinh tế khó khăn hiện nay, khi bàn đến vấn đề nhạy cảm - mức đóng bảo hiểm y tế (BHYT) thì Chính phủ, các đại biểu Quốc hội và người dân đều có tâm lý chung là giảm mức đóng để có thêm nhiều người tham gia, thụ hưởng chính sách BHYT. Thế nhưng, theo tôi việc xây dựng luật phải cân nhắc, tính toán một cách hợp lý, phù hợp với thực tiễn.
Vì thế, không thể lý giải vấn đề này một cách chung chung, xuất phát từ cảm tính là muốn thế này, thế kia mà không dựa trên những luận cứ mang tính khoa học. Để Luật BHYT đi vào cuộc sống và được mọi người dân đồng tình thì đề nghị các cơ quan chuyên môn phải cung cấp số liệu về chi phí khám chữa bệnh một cách cụ thể, nhất là tổng chi phí cho việc đảm bảo về chất lượng trong khám, chữa bệnh bằng thẻ BHYT. Khi đã đưa ra con số về viện phí - chi phí khám chữa bệnh một cách khái quát, có sức thuyết phục thì mới có cơ sở để đưa ra mức đóng BHYT bao nhiêu là hợp lý. Khi đã tính toán được bài toán kinh tế – cân đối giữa đầu vào và đầu ra, chúng ta mới bàn thảo chính xác về đầu vào - tức là mức đóng của người tham gia BHYT.
Còn bây giờ, chưa thể coi mức đóng BHYT 3% hay 5% - 6% là hợp lý. Để đảm bảo đủ chi phí đầu vào, chúng ta phải giải bài toán chung đó là khả năng của người tham gia đóng góp BHYT là bao nhiêu, còn lại huy động từ các nguồn khác như thế nào (cụ thể là thực hiện chủ trương xã hội hóa)? Riêng Nhà nước sẽ hỗ trợ bao nhiêu? Nếu không giải được bài toán cân đối thu chi (đang lệch về chi) thì chúng ta mãi lẩn quẩn, không tìm được đường ra cho BHYT cũng như mục tiêu nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh bằng thẻ BHYT. Sau khi tính đúng, tính đủ rồi, chúng ta mới tính đến đối tượng cần hỗ trợ là người nghèo để họ tiếp cận với điều kiện khám chữa bệnh đảm bảo về chất lượng. Còn đối tượng nào có khả năng về kinh tế muốn được thụ hưởng những điều kiện khám chữa bệnh tốt hơn thì phải đóng thêm phần chênh lệch đó.
Bùi Đức Tráng
(Phó Giám đốc BHXH TPHCM)
- Không nên cào bằng
Tôi là người làm việc trong ngành y tế lâu năm, nên rất quan tâm đến vấn đề đóng bảo hiểm y tế (BHYT). Mấy ngày qua, Quốc hội thảo luận về dự án Luật BHYT, tôi đồng tình với quan điểm đúng đắn và mang tính nhân đạo của đa số đại biểu Quốc hội là phải tạo điều kiện cho người dân, nhất là dân nghèo được tiếp cận với BHYT. Khi bàn về mức đóng BHYT, người thì cho rằng mức đóng BHYT bắt buộc 3% là quá thấp, vì giá thuốc và các dịch vụ y tế đang tăng cao; nhưng có người lại cho rằng mức đóng BHYT 6% là quá cao so với mức lương cơ bản hiện nay.
Theo tôi, mức đóng BHYT nên có hai loại, gồm: BHYT cơ bản dành cho người lao động có thu nhập thấp và BHYT chất lượng cao dành cho người có tiền và có nhu cầu cao. Với hai mức đóng BHYT khác nhau sẽ thu hút toàn dân tham gia và đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh của nhiều thành phần trong xã hội.
Nếu người có tiền đóng BHYT ở mức cao sẽ hỗ trợ nguồn kinh phí lớn cho người nghèo, ngược lại chính người có nhu cầu khám chữa bệnh cao cũng được phục vụ chu đáo, tránh tình trạng đóng BHYT “cào bằng” như thời gian qua, vừa làm cho nhà nước phải bù lỗ quỹ BHYT, vừa làm cho đội ngũ y bác sĩ vất vả, chất lượng phục vụ người dân rất kém. Tất nhiên, khi đóng BHYT cần công khai cho người mua BHYT biết sau khi mua BHYT họ sẽ được hưởng chính sách khám chữa bệnh như thế nào, chứ không thể với mức đóng người nhiều, kẻ ít nhưng khi khám, chữa bệnh chưa được chăm sóc tương xứng.
Bác sĩ Phí Vĩnh Bảo
(162 Trường Chinh, P12, Q.TB, TPHCM)