Đọc bài “Kế hoạch vận động người dân TPHCM đi xe buýt: Sự chia sẻ của người dân là yếu tố quyết định” (Báo SGGP ngày 20-8-2008), tôi thấy còn nhiều vấn đề rất đáng lo ngại.
Thứ nhất, nếu thật sự việc đi xe buýt mang lại nhiều lợi ích như vậy thì tự khắc người dân sẽ biết cách lựa chọn hiệu quả nhất đối với túi tiền của mình. Nhưng thực tế, theo tôi, lại không hoàn toàn như vậy. Đành rằng đi xe buýt sẽ có được những cái lợi như tiết kiệm tiền, an toàn, góp phần giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường, nhưng bên cạnh những cái lợi đó, đi xe buýt cũng còn có nhiều bất tiện khác: từ chuyện thời gian cách chuyến của nhiều tuyến xe thường xuyên không đảm bảo, xe hay bỏ trạm, thái độ phục vụ của các tài xế và tiếp viên, việc bị phân biệt đối xử giữa vé tập, vé tháng với vé lượt... và nhất là việc phải cuốc bộ thường xuyên do không được trả xuống đúng trạm mình cần xuống… là chuyện diễn ra thường ngày.
Thứ hai, việc bỏ ra 6,9 - 9 tỷ đồng để tặng vé xe buýt miễn phí cho người dân như thế, liệu có thật sự cần thiết? Khi mà chúng ta có thể dùng khoản tiền đó vào những việc khác cấp thiết hơn như: nâng cấp, cải tạo chất lượng xe, đào tạo và huấn luyện lại tác phong phục vụ cho đội ngũ nhân viên, xây dựng thêm các trạm chờ để người dân tiện đi lại… thì sẽ đạt hiệu quả hơn. Chưa chăm lo cái gốc mà đã vội vàng muốn lan rộng phần ngọn.
Sự chia sẻ cần có của người dân ít nhất cũng phải dựa trên những cơ sở nền tảng cần thiết như: hài lòng, an tâm và tín nhiệm. Chia sẻ không thể chỉ là việc hô hào hay kêu gọi ủng hộ. Thiết nghĩ nếu chất lượng xe buýt không được cải thiện thì cho dù có bỏ ra bao nhiêu tỷ đồng để tặng vé miễn phí cho người dân, thì rồi mọi chuyện cũng sẽ đâu lại vào đó. Được phát vé miễn phí thì người ta đi, hết được vé miễn phí thì mọi người lại quay về với sự lựa chọn nào thuận lợi cho mình.
Tấn Thiện
(Bùi Đình Túy P12 Bình Thạnh TPHCM)