Thị trường mỹ phẩm vô cùng tiềm năng bởi nhu cầu làm đẹp của phụ nữ vô cùng lớn. Tuy nhiên, thị trường này hiện nay quá bát nháo với vô số loại mỹ phẩm từ cao cấp đến hàng trôi nổi, kém chất lượng.
Chỉ vì “con sâu”- mỹ phẩm kém chất lượng
Khoảng vài năm trở lại đây, cơn sốt “mỹ phẩm Việt” thực sự đã làm “dậy sóng” thị trường Việt Nam. Nhờ sự bùng nổ của mạng xã hội mà việc kinh doanh mỹ phẩm trở nên dễ dàng hơn. Bên cạnh đó, với nhu cầu làm đẹp ngày càng tăng cao của phụ nữ, đây dần trở thành một ngành “hái ra tiền”.
Tiêu hủy các mỹ phẩm trái phép.
Sự bùng nổ ấy luôn có hai mặt, một mặt giúp chính ngành mỹ phẩm Việt phát triển, phụ nữ Việt có cơ hội tiếp cận với những sản phẩm chính tay người Việt làm ra. Nhưng đồng thời lại khiến một bộ phận những doanh nghiệp không chân chính làm giả mỹ phẩm, gắn mác mỹ phẩm Việt nhưng bên trong thực chất là kem trộn, thành phần không rõ nguồn gốc nhằm trục lợi bất chính.
Mới đây, qua kiểm tra đột xuất cơ sở sản xuất mỹ phẩm ở quận 9, các cơ quan chức năng đã thu giữ hàng trăm ký kem dưỡng da, son môi, dung dịch hóa chất, nguyên liệu mỹ phẩm, thuốc giảm cân… không rõ nguồn gốc xuất xứ cùng lượng lớn tem chống hàng giả, bao bì của các thương hiệu có tiếng cũng được làm giả tinh vi. Các hóa chất làm mỹ phẩm này được chủ cơ sở mua ở chợ Kim Biên với giá 200 - 300 ngàn đồng/kg, rồi mang về pha trộn, đóng hộp “hô biến” thành mỹ phẩm thương hiệu.
Công nghệ sản xuất đạt chuẩn là một khâu then chốt để cho ra đời sản phẩm chất lượng.
Ngoài ra, kiểm tra một cơ sở ở quận 7, TPHCM, cơ quan chức năng đã thu giữ gần 600kg dung dịch dạng lỏng, dạng bột; 500 chai sữa, kem tắm trắng; cả tấn vỏ chai và bao bì in chữ Hàn Quốc. Tất cả đều không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc, nhãn mác, không in tên và địa chỉ công ty sản xuất.
Chị N.V.A (Gò Vấp, TPHCM) lo lắng, chị muốn mua sản phẩm kem dưỡng trắng da nhưng băn khoăn không biết nên mua loại nào sau khi hàng loạt vụ sản xuất mỹ phẩm rởm, kem trộn được các cơ quan chức năng phát hiện. Chị cho biết: “Tôi muốn mua loại sản phẩm an toàn, không muốn tiền mất tật mang, nhưng cả “rừng” sản phẩm thế này thì không biết nên chọn loại nào”.
Doanh nghiệp Việt khẳng định uy tín bằng chất lượng
Nếu nói rằng người Việt không thích dùng mỹ phẩm Việt thì đó là một cái nhìn phiến diện, “làm khó” những doanh nghiệp chân chính đang ngày một nỗ lực thay đổi và cải tiến công nghệ. Nhiều đơn vị đã không ngần ngại đầu tư cải tiến chất lượng sản phẩm, nhân sự và dây chuyền sản xuất, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng mỹ phẩm nghiêm ngặt từ nhân sự, nhà xưởng, thẩm định, vệ sinh…
Là một trong số đơn vị được xây dựng nhà máy tại Khu công nghiệp Singapore Ascendas Protrade - nơi chỉ dành riêng cho những ngành thân thiện với môi trường, ông Hoàng Minh Hoàng - Giám đốc Nhà máy Hoa Thiên Phú Bình Dương (thuộc Công ty CP Dược phẩm Hoa Thiên Phú) cho biết: “Hiện 80% máy móc trang thiết bị sử dụng trong việc kiểm tra chất lượng sản phẩm (QC) tại nhà máy được nhập khẩu tại các nước phát triển như Mỹ, Đức, Nhật, Thụy Sĩ…”.
Không chỉ quan tâm đến công nghệ sản xuất, các đơn vị còn không ngừng nỗ lực lấy lại lòng tin khách hàng bằng sản phẩm đạt chuẩn bởi các đơn vị sản xuất mỹ phẩm đạt chuẩn thường được kiểm soát ổn định về chất lượng, đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng của Bộ Y tế cũng như tiêu chuẩn thực hành tốt sản xuất mỹ phẩm chung của các nước ASEAN. Trong đó, chứng nhận CGMP ASEAN được xem là “bảo chứng chất lượng” các doanh nghiệp hướng đến.
Cũng là một trong số ít các đơn vị đạt chuẩn CGMP, ông Hoàng nói thêm: “Hiện nay, chứng nhận CGMP trong sản xuất mỹ phẩm là yếu tố then chốt để khẳng định mỹ phẩm đó đảm bảo chất lượng. Mục đích quan trọng nhất khi các doanh nghiệp áp dụng hệ thống quản lý chất lượng mỹ phẩm tuân thủ theo các điều khoản của Hiệp định mỹ phẩm ASEAN là trong bất cứ trường hợp nào tính an toàn và chất lượng sản phẩm phải được ưu tiên hàng đầu và phải đạt các tiêu chuẩn phù hợp nhất, đảm bảo sức khỏe và lợi ích của người tiêu dùng”.
Trước thực trạng thị trường mỹ phẩm còn nhiều phức tạp như hiện nay, việc các doanh nghiệp nỗ lực khẳng định uy tín bằng chất lượng sản phẩm với những đầu tư nghiêm túc cả về nhân lực, cơ sở vật chất, dây chuyền sản xuất… đang dần lấy lại niềm tin của người tiêu dùng Việt với mỹ phẩm Việt.
| |
Đ.H