Kỷ niệm 45 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 - 30-4-2020)
Năm 1975 - mọi con đường đều dẫn tới Sài Gòn
SGGP
Kháng chiến chống Mỹ cứu nước kéo dài vạn ngày, gia đình nào cũng có người ra trận. Nhiều gia đình cùng có nhiều người tham gia, có gia đình cả hai thế hệ cùng lên đường chống Mỹ.
Nhưng, những gia đình mà hai thế hệ cùng ra chiến trường và cùng tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, được chứng kiến ngày toàn thắng không nhiều. Một trong những gia đình đó là cha con Giáo sư (GS) Từ Giấy và phi công Từ Đễ. Hai cha con đi chiến dịch với hai nhiệm vụ khác nhau và đường đi khác nhau, nhưng đều nhắm tới mục tiêu lớn là giải phóng Sài Gòn.
Đi bằng đường mòn Hồ Chí Minh
Ngày 20-3-1975, sau khi bộ đội ta giải phóng Tây Nguyên, GS Từ Giấy nhận nhiệm vụ tham gia đoàn công tác của Cục Quân nhu, đi vào miền Nam với nhiệm vụ tổ chức và bảo đảm quân nhu cho các chiến dịch tiếp theo. Đoàn công tác gồm 14 người, do GS Từ Giấy, khi đó là Phó cục trưởng làm trưởng đoàn.
Giáo sư Từ Giấy và con trai Từ Đễ gặp nhau ngày 3-5-1975 tại Sài Gòn, sau khi cả 2 cha con hoàn thành nhiệm vụ trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử
GS Từ Giấy linh cảm một ngày chiến thắng đang đến rất gần. Ông phân tích: năm 1973, ta đã “đánh cho Mỹ cút”, nay quân ngụy mất Tây Nguyên, lại không có sự chi viện hỏa lực của Mỹ thì chắc sẽ bị “nhào”. Trên đường hành quân, ông tâm sự: “Trong kháng chiến chống Pháp, khi tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ, tôi cũng có linh cảm và tin vào ngày chiến thắng, sau đó sự việc diễn ra đúng như vậy. Lần này, tôi đã hình dung một chiến dịch rất lớn sẽ bắt đầu và ngày toàn thắng còn không xa nữa”. Niềm tin của ông vào ngày toàn thắng và lời bài hát Lá đỏ “Hẹn gặp nhé, giữa Sài Gòn!” vang lên, khi các đoàn quân gặp nhau trên đường ra trận, đã lan tỏa trong đoàn công tác, thôi thúc, tăng sức mạnh cho các đoàn quân. Đến ngày 29-3-1975, đoàn đã vào tới Lộc Ninh - đại bản doanh của Bộ Tư lệnh Miền.
Đi bằng đường không
45 năm sau, Thượng úy Từ Đễ - con trai cả của GS Từ Giấy đã trở thành đại tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang. Trước khi nghỉ hưu, ông là Phó cục trưởng Cục Quân huấn Bộ Tổng tham mưu. Ông rất xúc động kể lại: “Cuối tháng 3-1975, khi đó tôi 26 tuổi, là phi công chiến đấu có hơn 500 giờ bay, thuộc Trung đoàn Không quân 923, được lệnh di chuyển vào Quảng Bình để bảo vệ tuyến hành quân ngày đêm của quân ta chi viện chiến trường. Phi đội chúng tôi được cấp trên giao nhiệm vụ sử dụng máy bay MIG17, bay cực thấp 60-70 mét, ngay trên đầu các đoàn quân để cổ vũ tinh thần cho bộ đội đang hành quân bên dưới. Khi tôi nhìn xuống dưới, thấy bụi cuốn bay mù mịt, nhưng bộ đội cực kỳ phấn khích, cổ vũ cho phi đội chúng tôi. Vì ngày đó, rất ít bộ đội ta được nhìn thấy những “con én bạc” do phi công ta lái, dưới cánh máy bay mang cờ Tổ quốc.
Phi đội Quyết thắng trở về sân bay Thành Sơn (Phan Rang) sau cuộc tấn công vào sân bay Tân Sơn Nhất chiều 28-4-1975. Ảnh: T.L
Ở Quảng Bình ít ngày, đến 20-4-1975, các phi công của phi đội 4 được lệnh di chuyển gấp vào Đà Nẵng để tiếp quản phi cơ A37 của địch. Vào tới nơi, vừa tìm hiểu máy bay mới và phải tìm ra 2 phi công ngụy chuyên bay A37 tại trại Phi Hổ để họ giúp đỡ, nhằm rút ngắn thời gian bay chuyển loại (thông thường phải mất 3 tháng). Một khối lượng lớn công việc khi làm quen với máy bay mới, như chức năng của từng đồng hồ, hoán đổi hệ đo lường từ Anh sang Việt, hệ thống điều khiển máy bay, vũ khí… đã được hoàn thành. Sau đó ít ngày, phi công Từ Đễ đã bay thử thành công. Tư tưởng chỉ đạo của Bộ Chỉ huy chiến dịch là “Thần tốc - táo bạo - quyết thắng” đã được lãnh đạo quân chủng, các kỹ sư, phi công quán triệt và thực hiện hết sức sáng tạo. Với tinh thần “thần tốc”, các phi công của Phi đội Quyết Thắng chỉ có 5 ngày làm quen và 90 phút bay thử nghiệm. Đại tá Từ Đễ kể lại: “Sau khi kiểm soát tốt máy bay A37, chúng tôi được lệnh di chuyển ngay vào sân bay Thành Sơn (Phan Rang), khi đó đã được giải phóng. Lúc đó, tôi nhận ra mình đang đứng trước nhiệm vụ lịch sử có một không hai trong đời một phi công, là dùng máy bay địch để tấn công sân bay lớn nhất của địch giữa Sài Gòn. Đây cũng là trận đánh chưa từng có trong lịch sử Không quân Việt Nam”. Vào 16 giờ 25 ngày 28-4, “Phi đội Quyết Thắng” gồm Nguyễn Văn Lục, Nguyễn Thành Trung, Từ Đễ, Hán Văn Quảng, Hoàng Mai Vượng và phi công ngụy Trần Văn On xuất kích từ Phan Rang đi ném bom Tân Sơn Nhất. Trận đánh đó, ta đã phá hủy 24 máy bay và diệt hàng trăm tên địch, cả phi đội quay về sân bay Thành Sơn an toàn trong niềm vui vô hạn của toàn đơn vị.
Cùng đến Sài Gòn
Hai cha con, người đi bằng đường bộ, người đi bằng đường không đã tới Sài Gòn. Ngày 1-5-1975, các phi công của “Phi đội Quyết Thắng” bay vào sân bay Biên Hòa để nhận nhiệm vụ mới. Chiều 2-5-1975, đoàn công tác của GS Từ Giấy vào tiếp quản cơ sở hậu cần ở sân bay Tân Sơn Nhất. Trưa 3-5-1975, hai cha con gặp nhau trong niềm vui chiến thắng chung của dân tộc. Sự mừng vui khôn xiết đó, không chỉ là sự đoàn tụ của hai cha con như đã hẹn, và hơn thế nữa, đó còn là sự tự hào của hai người lính vừa hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đặc biệt của Đảng và Quân đội giao phó. Không gì có thể hạnh phúc hơn khi cả hai thế hệ cùng chung niềm vui chiến thắng ở giữa Sài Gòn.
Giáo sư Từ Giấy (1921-2009), quê quán Khê Hồi, Hà Hồi, Thường Tín, Hà Nội; Anh hùng Lao động, Thầy thuốc Nhân dân, Giải thưởng Nhà nước về Khoa học Công nghệ, Huân chương Độc lập hạng nhì, Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng. Trong suốt quá trình công tác, GS Từ Giấy từng giữ nhiều nhiệm vụ quan trọng, đặc biệt là gắn với bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cho bộ đội, bà mẹ và trẻ sơ sinh. Ông còn có những đề án, chương trình quốc gia lớn như vườn - ao - chuồng (VAC).