Nâng cao khả năng chống chọi với biến đổi khí hậu

Sau một năm chứng kiến hiện tượng vòm nhiệt gây nắng nóng kỷ lục, các đám cháy rừng lớn và các trận lụt lịch sử, Canada đang đối mặt với sức ép phải nỗ lực hơn nữa để ứng phó với những tác động ngày càng nguy hiểm do biến đổi khí hậu. 
Binh sĩ Canada được triển khai để giúp người dân chống lũ
Binh sĩ Canada được triển khai để giúp người dân chống lũ

Ít thành phố nào của Canada hiểu rõ cái giá phải trả cho tình trạng biến đổi khí hậu hơn thành phố Kamloops (thuộc tỉnh British Columbia), nơi trải qua nền nhiệt độ trên 400C trong gần một tuần vào mùa Hè vừa qua và những trận cháy rừng lớn khiến hàng trăm cư dân phải sơ tán.

Theo Thị trưởng Kamloops, Ken Christian, việc chuẩn bị không kỹ càng cũng như cơ sở hạ tầng yếu kém đã khiến cho thiệt hại do nắng nóng và cháy rừng trở nên trầm trọng hơn. 

Theo một báo cáo năm 2019 được Chính phủ liên bang Canada trích dẫn, khí hậu tại nước này đang ấm lên nhanh hơn hai lần so với mức trung bình của toàn cầu và gấp 3 lần so với khu vực Bắc Mỹ. Khí hậu thay đổi nhanh chóng làm tăng tần suất, cường độ và thời gian xảy ra các hiện tượng thời tiết cực đoan như sóng nhiệt, lũ lụt... Xu hướng này dự kiến sẽ tiếp tục trong vài thập niên tới, ngay cả khi lượng khí thải trên toàn cầu giảm xuống. Để đối phó tốt hơn với các tác động của biến đổi khí hậu, Chính phủ Canada có kế hoạch vào năm 2022 sẽ hoàn thiện Chiến lược quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu, nhằm nâng cao khả năng chống chọi với biến đổi khí hậu. 

Chính phủ đặt mục tiêu tham vấn rộng rãi các nhóm bản địa, thanh niên và các tổ chức môi trường để tạo ra khuôn khổ cho các hành động cụ thể mà các doanh nghiệp, chính phủ và cá nhân có thể thực hiện nhằm đảm bảo khả năng phục hồi. Ottawa cũng đã chi gần 6 tỷ CAD cho các biện pháp thích ứng và chống chọi với biến đổi khí hậu.

Jo-Ellen Parry, Giám đốc Viện Phát triển bền vững quốc tế, cho biết, chiến lược hiện tại đã xác định nhiều chủ đề chính quan trọng, bao gồm sự hòa giải của người bản địa, các giải pháp dựa trên tự nhiên như cơ sở hạ tầng tự nhiên và việc tạo ra các công việc xanh hậu đại dịch.

Ông Paul Kovacs, người sáng lập và là giám đốc điều hành Viện nghiên cứu về Giảm thiểu thiệt hại do thảm họa thuộc Đại học Western (Canada), nhấn mạnh, các thảm họa trong năm 2021 cho thấy nhu cầu cấp thiết về một kế hoạch chống biến đổi khí hậu mạnh mẽ hơn.

Theo Thủ hiến tỉnh British Columbia John Horgan, thảm họa lũ lụt trong mùa Thu vừa qua ở tỉnh này là sự kiện 500 năm mới có một lần. Ông Kovacs dự báo, lũ lụt, nắng nóng, lốc xoáy và bão với mức độ nghiêm trọng hơn sẽ xảy ra tại tỉnh này trong những năm tới.

Thị trưởng K.Christian đưa ra các đề xuất về các dự án khí hậu và nâng cấp cơ sở hạ tầng cho thành phố Kamloops, bao gồm các trung tâm khẩn cấp mới để bảo vệ cư dân trong thời kỳ nắng nóng khắc nghiệt hoặc chất lượng không khí kém; có nhiều đê điều hơn và công tác phòng chống cháy rừng tốt hơn. Các cộng đồng ven biển cũng cần được bảo vệ nhiều hơn.

Một báo cáo do Trung tâm về thích ứng với khí hậu tại Đại học Waterloo công bố trong tháng này cho thấy, Canada thiếu một hệ thống quốc gia đánh giá rủi ro ở các khu vực ven biển. Báo cáo kêu gọi chính phủ liên bang tài trợ thêm cho các dự án cơ sở hạ tầng tự nhiên - chẳng hạn như ổn định các vách đá và khôi phục các vùng đất ngập nước - để bảo vệ cộng đồng khỏi mực nước biển dâng.

Tin cùng chuyên mục