Nâng cao năng suất lao động

Năng suất lao động ở nước ta còn thấp nhiều so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Nghiên cứu của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) công bố hồi tháng 5-2014 cho thấy năng suất lao động của Việt Nam năm 2013 thuộc nhóm thấp nhất châu Á - Thái Bình Dương (những nơi có thể thu thập số liệu), thấp hơn Singapore gần 15 lần, thấp hơn Nhật Bản 11 lần và thấp hơn Hàn Quốc 10 lần. So với các nước láng giềng ASEAN có mức thu nhập trung bình, năng suất lao động của Việt Nam vẫn có khoảng cách lớn, chỉ bằng 1/5 Malaysia và 2/5 Thái Lan.

Năng suất lao động ở nước ta còn thấp nhiều so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Nghiên cứu của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) công bố hồi tháng 5-2014 cho thấy năng suất lao động của Việt Nam năm 2013 thuộc nhóm thấp nhất châu Á - Thái Bình Dương (những nơi có thể thu thập số liệu), thấp hơn Singapore gần 15 lần, thấp hơn Nhật Bản 11 lần và thấp hơn Hàn Quốc 10 lần. So với các nước láng giềng ASEAN có mức thu nhập trung bình, năng suất lao động của Việt Nam vẫn có khoảng cách lớn, chỉ bằng 1/5 Malaysia và 2/5 Thái Lan.

Đó là một nghịch lý và cũng là điều rất đáng tiếc, bởi nhiều chuyên gia và người sử dụng lao động vẫn đánh giá rằng người Việt Nam khéo léo, thông minh, cần cù, chịu khó… Như vậy năng suất lao động thấp không hoàn toàn phụ thuộc vào đặc điểm thể chất, tác phong, ý thức của người lao động, mà phụ thuộc khá lớn vào trình độ tay nghề của người lao động, việc tổ chức lao động, xây dựng môi trường lao động, cũng như việc tạo ra động cơ lao động (thông qua hình thức trả lương và các đãi ngộ khác).

Điều này có thể kiểm chứng khá đơn giản: trong phần nhiều cơ quan, đơn vị (nhất là thuộc khối nhà nước), nếu giảm đi một hoặc một số người lao động thì những người còn lại vẫn hoàn thành khối lượng công việc một cách bình thường. Như vậy, có hiện tượng một số người hoặc hầu hết người đã làm việc với năng suất chưa cao. Đó là hiện tượng “thất nghiệp trá hình”.

Trong khi đó, nhiều năm qua, nhiều người hay xem giá lao động Việt Nam thấp là một lợi thế cạnh tranh, thực tế bây giờ cần thiết phải xem lại. Giá lao động Việt Nam thấp không chỉ vì mức sống ở Việt Nam thấp mà chủ yếu vì năng suất lao động thấp, kể cả thái độ, tác phong và ý thức kỷ luật lao động cũng có phần hạn chế. Như vậy, giá nhân công thấp thực tế phản ánh một biểu hiện chưa tốt về nguồn lao động của Việt Nam chứ không phải là một lợi thế.

Theo Bộ LĐTB-XH, hiện nay nhiều nước phát triển như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Singapore... đều có cơ quan nghiên cứu chuyên sâu về năng suất lao động. Hàng năm, các cơ quan này có các báo cáo về năng suất lao động, bao gồm mức đóng góp của người lao động vào năng suất lao động, các yếu tố ảnh hưởng đến năng suất lao động và các giải pháp để cải thiện, nâng cao năng suất lao động của người lao động.

Các cơ quan nghiên cứu về tiền lương sẽ căn cứ năng suất lao động và điều kiện kinh tế - xã hội khác để xác định, điều chỉnh tiền lương tối thiểu và khuyến nghị điều chỉnh tiền lương cho người lao động. Do vậy, việc tìm kiếm các giải pháp nâng cao năng suất lao động cần được nghiên cứu thấu đáo hơn, quy củ hơn, thường xuyên hơn để có kết quả tích cực hơn.

TRỊNH MINH GIANG
(Thủ Đức, TPHCM)

Tin cùng chuyên mục