Nâng hiệu quả hành chính công

Trong bảng xếp hạng chỉ số PAPI (chỉ số đo lường hiệu quả hành chính công) năm 2015, TPHCM bị tụt xuống thứ hạng 47/63 tỉnh - thành) và chỉ số minh bạch cũng tụt từ thứ 4 xuống 17. Mới đây, tại cuộc họp đánh giá tình hình kinh tế - xã hội của TPHCM 4 tháng đầu năm 2016, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong lưu ý việc TPHCM bị tụt giảm đến 5/6 chỉ tiêu đo lường hiệu quả hành chính công là “chỉ số rất nhức nhối, sự đánh giá của người dân về chính quyền cơ sở không cao” và yêu cầu các cấp chính quyền cơ sở phải sớm có giải pháp khắc phục tình trạng này. Không phải chạy theo con số nhưng có thể nói chỉ số PAPI là tấm gương phản ánh khá trung thực về mối quan hệ và sự tương tác giữa người dân và chính quyền.

Người dân không vui khi thấy thực tế công tác quản lý trật tự xã hội ở nhiều phường - xã còn chưa ổn. Nhiều khu dân cư có tình trạng rác tràn lan, đèn chiếu sáng nơi tỏ nơi mờ, buôn bán chiếm dụng lòng lề đường, lại thêm nạn ma túy và cờ bạc...; khi xảy ra các vụ bạo hành, mất trật tự, gọi mãi mà chẳng thấy công an hay cán bộ chính quyền đến. Riết rồi dân cũng nản, mất lòng tin. Trách cán bộ phường thì cũng tội nghiệp, người làm công tác ở phường rất đa đoan, không phải chỉ làm 8 giờ vàng ngọc, mà có thể là 10 - 12 giờ/ngày, do hội họp đủ thứ.

Chính quyền cơ sở lo cho dân là lo gì, nếu không phải là lo chuyện đường sá, chiếu sáng, nước thải, vệ sinh phòng dịch, chăm lo cho trẻ em nghèo và người già neo đơn… Nếu giảm tối đa chuyện họp hành và chỉ lo chừng ấy chuyện của dân, cán bộ cũng đã hết hơi. Không cần ngày nào cũng xuống dân, chỉ cần khi dân đến trụ sở phường có thể gặp lãnh đạo phường bất cứ lúc nào cũng là hay rồi, bằng không thì nên công bố đường dây nóng, điện thoại di động để dân tiện liên lạc.   

Một chuyện rất cần lưu ý khắc phục là tính minh bạch còn yếu. Nhiều nơi kêu gọi người dân đóng góp hàng quý, hàng năm các khoản thu, nhưng việc kiểm soát thu chi và sử dụng ra sao thì người dân ít biết, dù có nhiều tổ chức, đoàn thể tham gia giám sát nhưng chỉ mang tính hình thức. Cần có cơ chế kiểm soát, trong đó chú trọng vai trò của người dân và phải công khai rõ ràng, khoản nào bắt buộc, khoản nào tự nguyện. Gần đây, báo đăng việc quận Gò Vấp tổ chức tư vấn trực tiếp cho dân có nhu cầu tìm hiểu thông tin quy hoạch, đó là cách làm tốt. Khi người dân gặp vướng mắc trong thủ tục hành chính thì sẽ hỏi ai, ai chịu trách nhiệm, hạn giải quyết bao lâu - nên có câu trả lời cụ thể thay vì như hiện nay dân ráng nhịn, nén lòng để chờ mà không khỏi ấm ức.    Lo cho dân phải trở thành hành động cụ thể, có quy chế minh bạch, bỏ lối tư duy xơ cứng, bớt họp, vì dân hành động… Đó chính là những việc cần làm để nâng chỉ số PAPI của TPHCM.

KHƯƠNG DUY (quận 5 TPHCM)

Tin cùng chuyên mục