Ngày 20-4, tại Hà Nội, Bộ KH-CN tổ chức lễ hưởng ứng Ngày Đổi mới sáng tạo (ĐMST) quốc gia năm 2023 với chủ đề “Đổi mới sáng tạo - Nền tảng thúc đẩy phát triển quốc gia hiện đại”. Sự kiện nằm trong chuỗi các hoạt động hướng tới chào mừng Ngày KH-CN Việt Nam 18-5.
Tham dự sự kiện có đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương, địa phương, viện nghiên cứu, trường đại học, các hiệp hội, doanh nghiệp và đại diện một số tổ chức quốc tế.
Sự kiện diễn ra chiều 20-4 tại trụ sở Bộ KH-CN. Ảnh T.B |
Phát biểu tại sự kiện, Thứ trưởng Bộ KH-CN Trần Văn Tùng cho biết, KH-CN và ĐMST được xác định là động lực, nền tảng trong phát triển kinh tế - xã hội của các quốc gia. Ở Việt Nam, quan điểm thúc đẩy phát triển KH-CN và ĐMST để trở thành động lực, nền tảng phát triển kinh tế - xã hội đất nước đã được thể hiện trong nhiều văn kiện của Đảng và pháp luật, chính sách Nhà nước. Với vai trò quan trọng của KH-CN và ĐMST vào phát triển kinh tế - xã hội, việc tăng cường, đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động nhằm tôn vinh, ghi nhận thành tựu KH-CN và ĐMST, nâng cao nhận thức của cộng đồng, xã hội về KH-CN và ĐMST là rất cần thiết.
Thứ trưởng Bộ KH-CN Trần Văn Tùng phát biểu tại sự kiện. Ảnh T.B |
Theo bảng xếp hạng chỉ số ĐMST toàn cầu năm 2022 do Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) công bố, Việt Nam hiện tại được đánh giá có năng lực ĐMST xếp vào hạng cao nhất trong số những quốc gia đang phát triển. Cụ thể, Việt Nam xếp vị trí 48/132 quốc gia, nền kinh tế, giữ vị trí thứ 4 khu vực Đông Nam Á, sau Singapore (thứ 7), Malaysia (thứ 36) và Thái Lan (thứ 43). Hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST của Việt Nam được đánh giá ở vị trí 54 trên thế giới, thứ 12 khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong năm 2022 (theo đánh giá của Startup Blink). Những xếp hạng trên thể hiện tiềm năng, sức bật của Việt Nam trong bối cảnh quốc gia còn gặp rất nhiều khó khăn, thách thức khi các yếu tố kinh tế vĩ mô, địa chính trị đang diễn biến rất phức tạp trên thế giới.
Thời gian qua, Bộ KH-CN đã nỗ lực xây dựng, hoàn thiện hành lang pháp lý thúc đẩy phát triển KH-CN và ĐMST; tìm kiếm, kết nối, tận dụng sự giúp đỡ, hợp tác của các quốc gia, tổ chức quốc tế... Các kênh hỗ trợ, thúc đẩy hoạt động này ngày càng đa dạng, phong phú như: thúc đẩy phát triển lực lượng doanh nghiệp KH-CN; khuyến khích doanh nghiệp nghiên cứu, đổi mới công nghệ, thu hút chuyên gia giỏi nước ngoài, hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST; thông qua tài trợ của Quỹ Phát triển KH-CN quốc gia, Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia và các chương trình KH-CN cấp quốc gia...
Các đại biểu, khách mời giao lưu, chia sẻ về hoạt động ĐMST tại sự kiện. Ảnh T.B |
Theo Thứ trưởng Trần Văn Tùng, ĐMST không phải là việc của chỉ riêng cá nhân, tổ chức nào, mà phải là tư duy, triết lý được thấm nhuần, thực thi trong từng hành động, từng nhiệm vụ. Khai thác, vận dụng và ứng dụng sức mạnh của trí tuệ, của mô hình kinh doanh, của KH-CN để tạo ra giá trị gia tăng, giải quyết các thách thức, vấn đề của bản thân, của cộng đồng và của xã hội, cần trở thành kim chỉ nam cho hành động của cả quốc gia, dân tộc.
“Việc chung tay cùng xây dựng và phát triển hệ thống ĐMST quốc gia, hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST; phát triển hệ thống GD-ĐT theo hướng ĐMST; đổi mới công nghệ, đẩy mạnh thương mại hóa, khai thác và phát triển quyền sở hữu trí tuệ và tài sản trí tuệ, hình thành và phát triển hệ thống doanh nghiệp KH-CN và ĐMST; phát triển hệ thống các trung tâm, mạng lưới ĐMST liên kết toàn cầu là những nhiệm vụ khó khăn, thách thức nhưng phải được thực hiện. Để làm được điều đó, chúng tôi cũng kêu gọi các cơ quan, bộ, ngành, tổ chức, cá nhân trong nước, nước ngoài cùng chung tay, góp sức, vì một Việt Nam đổi mới, sáng tạo, hùng cường”, Thứ trưởng Trần Văn Tùng nhấn mạnh.
Ngày 21-4 hàng năm được Liên hiệp quốc chọn làm ngày ĐMST thế giới nhằm nâng cao nhận thức về vai trò của sáng tạo và đổi mới trong mọi khía cạnh của sự phát triển con người. Năm 2022 là năm đầu tiên Thủ tướng Chính phủ giao Bộ KH-CN chủ trì tổ chức hưởng ứng Ngày ĐMST thế giới. Sự kiện hưởng ứng Ngày ĐMST quốc gia năm 2023 tiếp tục được tổ chức với mong muốn kêu gọi sự chung tay, góp sức của các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức, cá nhân trong toàn xã hội thúc đẩy ĐMST, góp phần thiết thực phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.