Nặng phong trào

Tối nay (31-3), nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam hưởng ứng Chương trình tắt đèn trong một giờ (từ lúc 20 giờ 30 đến 21 giờ 30) để thể hiện sự ủng hộ hành động vì môi trường bền vững. Năm nay là năm thứ tư Việt Nam tham gia chiến dịch Giờ Trái đất. Ý thức sống “xanh” đã lan tỏa và nhân rộng hơn trong cộng đồng. Tuy nhiên thực tế triển khai nhiều nơi vẫn nặng tính phong trào, bệnh hình thức ở nhiều hoạt động. Ví dụ để kêu gọi tiết kiệm điện, trước thời điểm tắt điện là hàng loạt hoạt động biểu diễn ca múa hát với sân khấu và hệ thống đèn chiếu công suất lớn, các hội nghị, hội thảo được tổ chức với kinh phí lớn… Hay như việc kêu gọi tắt đèn tiết kiệm điện lại được thay thế bằng nến. Hàng nghìn cây nến được thắp lên ở chỗ này chỗ khác, hàng trăm chiếc đèn trời được thả, nến và hoa đăng cũng được thả trên sông, hồ… Về mặt hình thức rất đẹp, rất lung linh nhưng lại vô tình thải ra không khí một lượng không nhỏ CO2. Bên cạnh đó, những nơi tập trung để hưởng ứng một “hành động xanh, vì môi trường” lại bị chính những người có mặt trong cuộc hưởng ứng ấy xả rác một cách không thể chấp nhận được…

Giờ Trái đất không nên đơn thuần là “lễ hội môi trường” đến hẹn lại lên, cũng không nên nghĩ chỉ dừng lại ở hành động tắt đèn một giờ mỗi năm mà hãy làm những điều có ích trong khả năng có thể để bảo vệ môi trường. Và bản thân mỗi người dân phải có ý thức tiết kiệm điện không phải chỉ trong một Giờ Trái đất, mà là trong suốt 24 giờ trong ngày, 7 ngày trong tuần, 365 ngày trong năm. Thành công của sự kiện “Giờ Trái đất” không nằm ở con số điện năng tiết kiệm được mà ở tầm nhận thức được nâng cao của mọi người. 

SƠN TRÀ

Tin cùng chuyên mục