Lâu nay, việc tạm giữ xe máy vẫn được xem là biện pháp xử phạt đi kèm nhằm tăng tác dụng răn đe người điều khiển phương tiện vi phạm luật giao thông. Tuy nhiên, nếu ai đã từng lâm vào tình huống bị tạm giữ xe máy mới thấu hiểu được nỗi đau của chủ xe. Sau khi đóng tiền phạt, đến hạn nhận lại xe, chiếc xe tàn tạ do bị dầm mưa dãi nắng trong bãi tạm giữ xe không có đủ mái che. Đó là chưa kể đến những trường hợp xe bị tạm giữ đã bị “ai đó” tráo thiết bị, gỡ mất phụ tùng. Tiền nộp phạt không bằng một phần số tiền tân trang lại chiếc xe.
Anh bạn tôi có chiếc xe cũ, chuyên chở tôm cá bỏ mối, quên mang giấy tờ, bị tạm giữ xe. Đến khi đã hết hạn tạm giữ vẫn không thấy anh ấy nhận lại. Hỏi thăm, anh ngậm ngùi: “Suy đi tính lại chiếc xe cũ đó mà bị nhồi nhét trong bãi tạm giữ xe nhiều ngày liền nếu lấy về thì tiền sửa chữa, đại tu còn tốn tiền hơn tiền mua xe khác”.
Để tránh việc xe máy của người vi phạm luật giao thông bị xuống cấp, giảm giá trị sử dụng sau thời gian tạm giữ và những điều tiếng không đáng có về việc bảo quản xe máy vi phạm luật giao thông, nên thay đổi biện pháp xử phạt hợp lý hơn. Không giam giữ xe vi phạm giao thông vừa tránh lãng phí về công sức quản lý, bảo vệ lẫn tiền của để xây dựng các khu vực để xe. Ngoài ra, tránh được thiệt hại cho xã hội do xe để lâu ngày bị hư hỏng. Nên thay hình thức tạm giữ xe bằng biện pháp tăng tiền nộp phạt và thu giữ có thời hạn bằng lái xe của người vi phạm.
PHƯƠNG LAN (Biên Hòa, Đồng Nai)