Nên khoán xe công

Theo báo cáo của Chính phủ về tình hình quản lý, sử dụng tài sản nhà nước vừa được trình Quốc hội, trong năm 2013 có 1.477 ô tô mua mới trong cả nước để thay thế số ô tô công đã hết thời hạn sử dụng. Với giá mua tổng cộng 1.328 tỷ đồng, như vậy mỗi chiếc ô tô trị giá gần 1 tỷ đồng. Cũng theo báo cáo này, tổng số ô tô công trong cả nước hiện có là 36.171 chiếc.

Theo báo cáo của Chính phủ về tình hình quản lý, sử dụng tài sản nhà nước vừa được trình Quốc hội, trong năm 2013 có 1.477 ô tô mua mới trong cả nước để thay thế số ô tô công đã hết thời hạn sử dụng. Với giá mua tổng cộng 1.328 tỷ đồng, như vậy mỗi chiếc ô tô trị giá gần 1 tỷ đồng. Cũng theo báo cáo này, tổng số ô tô công trong cả nước hiện có là 36.171 chiếc.

Đọc thông tin trên, không ít người đã thật sự sốc, vì con số kinh phí mua xe công không phải nhỏ trong khi tình hình kinh tế cả nước vẫn còn nhiều khó khăn. Trong những kỳ họp Quốc hội trước đây, vẫn thường nhắc đến yêu cầu “thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ, triệt để tiết kiệm trong đầu tư mua sắm”. Thế nhưng đến nay, căn bệnh lãng phí, xài sang vẫn còn bất trị. Mỗi quan chức khi nhận nhiệm vụ mới, cao hơn thì phải cố làm sao để có được chiếc ô tô công mới, xịn. Nhiều cơ quan, đơn vị nhà nước đã cố “len lỏi luồn lách”, khéo “vận dụng” về chính sách để được mua sắm ô tô dù ngân sách chẳng có bao nhiêu.

Cũng theo báo cáo trên, trong số 1.477 ô tô mua mới, có 458 xe chuyên dùng, 85 xe phục vụ chức danh, 934 xe dùng chung. Ghi trong báo cáo là vậy, nhưng nhìn vào thực tế, người ta thấy nhan nhản các vị giám đốc, phó giám đốc cấp sở, ngành, đơn vị trực thuộc - dù không được tiêu chuẩn xe công - vẫn bệ vệ trong các ô tô đời mới.

Xu hướng không trang bị xe công hoặc cắt giảm xe công đang được nhiều quốc gia áp dụng, tuy nhiên điều này vẫn còn… xa lạ ở nước ta. Để tiết kiệm trong mua sắm, đầu tư công, đặc biệt là ô tô, thiết nghĩ nhà nước nên mạnh dạn thực hiện cơ chế khoán trong việc đi lại cho cán bộ. Cái lợi của cơ chế khoán, đầu tiên là ngân sách không phải chi cả ngàn tỷ đồng mỗi năm để mua sắm ô tô công. Cái lợi thứ hai là biên chế nhà nước không tăng lên thêm đội ngũ tài xế để phục vụ, xóa chi tiêu xăng nhớt, chưa kể tiền bảo trì, sửa chữa xe hàng năm. Cơ chế khoán hiện nay đã có, chỉ tiếc là quy định mang tính tự nguyện, không bắt buộc, nên nhiều nơi không thực hiện. Kêu gọi tiết kiệm nhưng không có chế tài mạnh mẽ thì chỉ là kêu gọi chung chung và chuyện mua sắm ô tô mới vẫn còn là chuyện dài.

NGUYỄN ĐỒNG (quận 1, TPHCM)

Tin cùng chuyên mục