LTS: Trong phiên họp toàn thể sáng ngày 26-11, Quốc hội đã thảo luận về dự án Luật Sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Hôn nhân và Gia đình (HN-GĐ). Một vấn đề được dự thảo đề nghị là cho phép việc mang thai hộ, đã gặp phải nhiều ý kiến trái chiều từ các đại biểu. Một số ý kiến đồng tình với việc cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến lo lắng vì những hệ lụy kèm theo. Báo SGGP giới thiệu ý kiến của Luật sư Nguyễn Đức Hoàng phân tích vấn đề này ở góc độ xã hội và pháp luật.
Luật HN-GĐ hiện hành không có bất kỳ quy định nào về vấn đề mang thai hộ. Tuy nhiên, khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2003/NĐ-CP về sinh con theo phương pháp khoa học đã quy định nghiêm cấm hành vi mang thai hộ; khoản 2 Điều 31 Nghị định 45/2005/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế đã quy định hành vi này có thể bị phạt tiền từ 20 triệu đến 30 triệu đồng.
Hiện nay, tỷ lệ vô sinh tại Việt Nam ngày càng cao, mong muốn có con của các cặp vợ chồng hiếm muộn là rất chính đáng. Có những cặp vợ chồng không có khả năng sinh con, mặc dù trải qua nhiều lần thụ tinh nhân tạo nhưng không thành công. Hoặc những trường hợp cả hai vợ chồng đều có khả năng sinh con, nhưng người phụ nữ lại không thể mang thai vì gặp những bất thường về tử cung hay mắc các bệnh lý mà nếu mang thai sẽ ảnh hưởng nguy hiểm đến sức khỏe của người mẹ (như bệnh tim). Như vậy, nếu muốn có con, chỉ còn cách duy nhất là nhờ người khác mang thai hộ. Mang thai hộ được hiểu là dùng biện pháp kỹ thuật lấy trứng của người vợ và tinh trùng của người chồng để thụ tinh trong ống nghiệm, sau đó cấy vào tử cung của một phụ nữ khác để nhờ người này mang thai và sinh con. Do đó, xét về mặt sinh học, đứa trẻ sinh ra sẽ là con của người phụ nữ có trứng thụ tinh (người nhờ mang thai hộ) chứ không phải là con của người mang thai hộ.
Những ý kiến ủng hộ việc mang thai hộ cho rằng, cho phép mang thai hộ sẽ giải quyết được nguyện vọng chính đáng của những người mong muốn có con, đồng thời giúp kiểm soát dịch vụ “đẻ thuê” đang tồn tại trên thực tế. Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến lo ngại, cho rằng mang thai hộ là vấn đề phức tạp, do hậu quả phát sinh khó lường. Chẳng hạn như vấn đề về sức khỏe của người mang thai hộ cũng như những rủi ro họ có thể gặp phải trong quá trình mang thai; hay trường hợp con sinh ra có dị tật… Ngoài ra, nhiều người lo ngại hoạt động này sẽ bị thương mại hóa, bởi ranh giới giữa mục đích nhân đạo và thương mại rất mong manh.
Dự thảo Luật Sửa đổi bổ sung một số điều của Luật HN-GĐ đã đề ra những quy định về các vấn đề liên quan đến việc mang thai hộ. Cụ thể, tại khoản 76 (bổ sung Điều 63c) quy định một trong những điều kiện để cặp vợ chồng hiếm muộn nhờ người khác mang thai hộ là “Có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về việc người vợ không thể mang thai và sinh con, ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản”. Hay những quy định về quyền và nghĩa vụ của các bên, tại các khoản 77, 78. Tuy vậy, để tránh những hệ lụy đáng tiếc, vẫn cần có thêm những quy định cụ thể hơn về điều kiện sức khỏe của người mang thai hộ, quyền lợi của đứa trẻ được sinh ra... Có thể thấy, mang thai hộ vẫn còn là một vấn đề nhạy cảm. Pháp luật cần quy định chặt chẽ về vấn đề này để đảm bảo được quyền lợi của những người mong muốn có con, cũng như tránh những biến tướng thành hoạt động thương mại, đi ngược lại truyền thống đạo lý.
Luật sư NGUYỄN ĐỨC HOÀNG
(Văn phòng Luật sư PHANS)