Trong phiên thảo luận tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã đề xuất tăng thời gian nghỉ Tết Nguyên đán thêm 1 ngày. Theo đó, cán bộ, công chức, viên chức sẽ được nghỉ tết 5 ngày.
Đề xuất này được dư luận ủng hộ, nhằm khắc phục bất hợp lý lâu nay: Do quy định nghỉ tết 4 ngày, trong khi tuần làm việc 5 ngày, đã dẫn đến tình huống nghỉ tết 4 ngày rồi trở lại làm việc chỉ 1 ngày, sau đó lại được nghỉ 2 ngày thứ bảy, chủ nhật. Tuy nhiên, đề xuất này chưa được đưa vào dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi lần này.
Theo Bộ trưởng Bộ LĐTB-XH Phạm Thị Hải Chuyền, việc tăng thời gian nghỉ Tết Âm lịch và nghỉ lễ hàng năm là chủ trương đúng đắn, tuy nhiên vấn đề này chưa được nghiên cứu, trao đổi kỹ; chưa được sự tham gia ý kiến của người sử dụng lao động và người lao động. Trước mắt, trong khi chưa sửa đổi quy định nghỉ tết 4 ngày, để khắc phục, Bộ LĐTB-XH đã trình Thủ tướng Chính phủ phương án hoán đổi ngày làm việc của cán bộ, công chức, viên chức trong đợt nghỉ Tết Nhâm Thìn, để dịp nghỉ tết sắp tới kéo dài trọn vẹn 9 ngày (sẽ đi làm bù 1 ngày vào thứ bảy tuần sau đó), tạo điều kiện thuận lợi cho kế hoạch vui chơi, giải trí của người dân, kích cầu tiêu dùng của xã hội.
Mong rằng Thủ tướng Chính phủ sẽ nhất trí với phương án hoán đổi ngày làm việc nói trên, và nên công bố sớm để các gia đình và các ngành chủ động kế hoạch đón tết. Tuy nhiên, đây chỉ là phương án linh hoạt cho tết năm nay, chứ chưa thể thành quy định pháp luật. Tôi rất đồng tình với quan điểm của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng về việc sửa quy định của Bộ luật Lao động về việc tăng thêm 1 ngày nghỉ tết, nâng tổng số ngày nghỉ lễ tết trong một năm lên 10 ngày thay vì 9 ngày như quy định hiện hành, vì so sánh với các quốc gia khác trong khu vực và trên thế giới thì thời gian nghỉ lễ hàng năm của người lao động nước ta còn thấp.
Nếu quy định nghỉ tết 5 ngày, cộng thêm 4 ngày nghỉ cuối tuần trước và sau tết, thời gian nghỉ tết hàng năm sẽ là 9 ngày liên tục nên nhiều người sẽ có dịp về thăm quê nhà hoặc đi chơi xa. Các năm trước, các cơ quan, đơn vị thường làm lại sau tết 1 ngày rồi lại nghỉ tiếp 2 ngày cuối tuần nên thực tế vẫn chưa làm việc ngay mà còn tiếp tục tổ chức tiệc mừng xuân, đón năm mới hoặc đi chúc tết.
Nhiều cán bộ công chức đến cơ quan ngày làm việc đầu năm cho có lệ hoặc để điểm danh chứ không làm gì. Điều này gây lãng phí về ngày công, chi phí điện nước… Chính vì thế, quy định tăng 1 ngày nghỉ tết sẽ mang lại ý nghĩa thiết thực, góp phần tiết kiệm ngày công, chi phí hành chính không cần thiết.
Trần Hà (Quận 10, TPHCM)