Nên tăng giá điện tùy đối tượng sử dụng

Giá xăng dầu trong nước tăng cao, một bài toán chi phí mới được đặt ra cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) là điều tất nhiên. Song giải bài toán đó như thế nào thì thiết nghĩ EVN cần thận trọng. Cũng giống như giá xăng dầu trong suốt thời gian vừa qua (trước đợt tăng giá mới nhất gần đây), vì bao cấp khiến cho Chính phủ cứ phải liên tục bù lỗ thì việc tăng giá để điều chỉnh và cân bằng lại ngân sách là chuyện tất nhiên. Việc ấy thứ nhất giải được bài toán về chi phí kinh tế; thứ hai, chấm dứt được tình trạng bao cấp giá cho tất cả mọi đối tượng. Xăng dầu tăng giá đã khiến cho một bộ phận dân cư không có đủ điều kiện kinh tế chuyển qua dùng xe đạp và xe buýt công cộng. Còn những người giàu, đối tượng lẽ ra từ lâu Chính phủ đã không nên bao cấp giá - thì phải chấp nhận tiêu dùng với một mức giá cao hơn. Điều ấy là đúng đắn và thật sự cần thiết.

Nhưng bài toán xăng dầu chúng ta có thể giải quyết như thế, chứ bài toán sử dụng điện thì thật sự khó khăn. Bởi cũng giống như thực phẩm, quần áo và tất cả những mặt hàng nhu yếu phẩm khác, điện là nhu cầu hết sức cơ bản và rất cần thiết trong cuộc sống công nghiệp hiện nay. Nó không giống như chuyện xăng tăng giá thì người nghèo có thể chuyển qua dùng xe đạp hay đi xe buýt. Bởi một khi điện tăng giá thì thật sự họ không biết phải chuyển qua dùng cái gì để đáp ứng những nhu cầu tiêu dùng tối thiểu trong cuộc sống như nấu nướng, thắp sáng.

Thiết nghĩ EVN đừng vội nghĩ đến chuyện đồng loạt tăng giá điện. Thời kỳ bão giá, mọi gánh nặng chi phí đã đè nặng lên đôi vai vốn gầy guộc của người dân lắm rồi. Tại sao chúng ta không chọn giải pháp chỉ điều chỉnh mức giá chênh lệch đối với số lượng điện vượt định mức. Ví dụ như với một hộ có định mức 100 ký điện thì giá thành trước đây của 100 ký điện đầu tiên là 550 đồng (đã tính thuế VAT), 50 ký vượt tuyến tiếp theo là 1.110 đồng và 50 ký tiếp theo nữa là 1.470 đồng thì bây giờ 100 ký đầu tiên trong định mức chúng ta vẫn giữ nguyên giá thành, chỉ tăng giá của số lượng điện vượt tuyến tiếp theo đó. Có như vậy mới buộc người dân chú ý nhiều hơn nữa đến việc tiêu dùng tiết kiệm và tình trạng thiếu điện trên cả nước, vì thế, sẽ đỡ căng thẳng hơn. Đối với những hộ giàu và các doanh nghiệp, nhu cầu tiêu dùng rất lớn thì việc tăng giá thành của số lượng điện vượt định mức sẽ buộc họ phải chi trả một khoản tiền cao hơn khi không còn được nhà nước bao cấp như trước đây.

Tóm lại, trong khi nhà nước đang cố bình ổn giá cả của một số mặt hàng tiêu dùng quan trọng trong nước thì chuyện quyết định có nên tăng giá điện hay không, tăng ra sao, cần phải được tính toán một cách hết sức thận trọng. Bởi việc điều chỉnh giá cả của nó có ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người dân. 

THU TÂM (TPHCM)

Tin cùng chuyên mục