Thông tin về chuyện bài văn bị điểm 0 của một học sinh ở Hải Phòng một lần nữa lại dấy lên dư luận về kiểu học và dạy văn hiện nay. Sự việc được khép lại bằng một bài báo ghi nhận những ý kiến của những người trong và ngoài cuộc khi cho rằng người giáo viên cần hướng học sinh đến những điều tốt đẹp, người chấm bài cần có tầm nhìn rộng hơn, xa hơn, sự sáng tạo của các em cần được trân trọng…
Dù vậy, tôi cũng như nhiều phụ huynh khác không khỏi lo lắng về cách dạy văn, học văn hiện nay. Bây giờ, ai có con đi học cũng không lạ gì khi đến đợt làm bài kiểm tra, các em đều được cho trước vài ba đề để về làm sẵn, học thuộc lòng rồi vào lớp mà… chép! Con tôi kể, nhiều lần làm bài kiểm tra, gặp giáo viên dễ dãi, các em lại lôi “phao” ra chép cho kịp giờ. Kiểm tra học kỳ, nếu phòng giáo dục ra đề, trường in cho mỗi học sinh một bộ đề cương với hàng chục đề để “tụng” sẵn và y như rằng đề thi sẽ rơi vào đúng một trong những đề trong đề cương. Nếu là đề do trường ra, số lượng đề ôn thi sẽ giảm bớt.
Phải công nhận rằng, học Văn hiện nay quá vất vả. Mới lớp 8 mà các cháu đã phải học văn nghị luận, thơ Đường luật, thể hịch, cáo, tấu… Còn tập làm văn, toàn là những đề… cao siêu như: Tuổi trẻ và tương lai đất nước; Từ bài “Bàn luận về phép học” của La Sơn Phu Tử, hãy nêu mối quan hệ giữa học với hành; Chứng minh “Chiếu dời đô” có sức thuyết phục lớn bởi có sự kết hợp giữa lý và tình…
Đối với những phụ huynh bận rộn với cơm áo gạo tiền, cách tốt nhất để con có thể đối phó với những kiểu bài như vậy là cho đi… học thêm. Còn những phụ huynh rành rẽ đôi chút chữ nghĩa, cũng không khỏi lúng túng. Có lần con tôi mang về đề bài “Văn học với tình thương”, tôi thật sự ngạc nhiên vì đề bài quá rộng, “quá tải” so với sức học của một học sinh lớp 8. Một phụ huynh khác chỉ vẽ: “Cứ mở sách văn mẫu hoặc tra Google là… yên tâm”. Y như rằng, cứ thế là chép ra, xào nấu đôi chút là xong! Mấy lần làm bài kiểm tra 1 tiết, tôi khuyên cháu nên viết khoảng 800 chữ là vừa đủ, văn hay cốt ở câu đúng, ý hay nhưng phát bài ra chỉ toàn điểm 6. Rút kinh nghiệm, những lần sau viết hơn 1.000 chữ, điểm số nâng lên thấy rõ. Nhưng nghĩ cho cùng, 45 phút để viết hơn 1.000 chữ, chỉ có nước là học thuộc lòng rồi cắm đầu cắm cổ mà viết, lấy gì có chuyện “tư duy” với “cảm thụ”!
Một đề văn cho sẵn, có sự trợ giúp của văn mẫu, người giáo viên chấm bài ắt hẳn cũng đang bằng lòng với cách học khuôn mẫu, trăm trứng như một của học sinh? Còn học sinh, cứ làm sẵn, học thuộc lòng, chép ra là được. Thế nên, thi học kỳ 2, các cháu kháo nhau “thi xong môn Văn coi như thi xong cả học kỳ”, chữ nghĩa trả lại cho thầy.
Trở lại câu chuyện bài Văn bị điểm 0, nghĩ cho cùng là hậu quả của lối dạy và học Văn máy móc. Có thể xem đây là một bài làm lạc đề nhưng rõ ràng học sinh này không muốn bị gò theo khuôn mẫu cho sẵn, làm theo đáp án mà đi tìm kiếm sự sáng tạo nhưng rất tiếc giải quyết đề bài không hướng đến sự tốt đẹp của cuộc sống – bản chất của việc học Văn. Dạy kiểu nhồi nhét, khuôn mẫu, “xay sinh tố” kiến thức… là điều mà cả học sinh lẫn phụ huynh đang băn khoăn, lo lắng.
AN NHIÊN (Thủ Đức)