Nếp sống văn minh trong việc cưới

Gần đây Thành ủy Hà Nội có thảo luận dự thảo chỉ thị “về việc tiếp tục thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới trên địa bàn thành phố Hà Nội” thu hút được nhiều ý kiến đóng góp.

Gần đây Thành ủy Hà Nội có thảo luận dự thảo chỉ thị “về việc tiếp tục thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới trên địa bàn thành phố Hà Nội” thu hút được nhiều ý kiến đóng góp.

Theo dự thảo, Thành ủy Hà Nội đề xuất cán bộ, đảng viên tổ chức tiệc cưới không quá 50 mâm với khoảng 300 khách mời. Nếu hai gia đình nhà trai, nhà gái tổ chức chung thì mời không quá 600 khách. Không được tổ chức tiệc cưới nhiều lần, ở những địa điểm sang trọng. Chỉ thị ban hành nhằm gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 về xây dựng Đảng. Chỉ thị ban hành còn nhằm tiếp tục thực hiện Chỉ thị 27 của Bộ Chính trị về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội (ban hành năm 1998).

Được biết, có một số địa phương trong cả nước, cấp ủy cũng đã có chỉ thị nhắc nhở, chỉ đạo cụ thể hơn về việc này và trong đánh giá cho rằng gần đây một số cơ quan, đơn vị có dấu hiệu buông lỏng, không thực hiện nghiêm, tổ chức đám cưới mời hàng ngàn người đến nhà hàng, khách sạn ăn uống linh đình, thậm chí lợi dụng, trục lợi và phần lớn là cán bộ, công chức, lãnh đạo các cấp.

Trong Kết luận số 21 của Hội nghị Trung ương 5 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí có lưu ý về xây dựng quy tắc ứng xử của cán bộ công chức trong việc cưới, việc tang…

Mặc dù Trung ương đã có chỉ thị, rồi thông tư hướng dẫn, địa phương cũng có triển khai, chỉ đạo thực hiện và sơ kết nhưng tình hình xem ra còn nan giải và chưa đạt yêu cầu. Trong thực tế, đã có không ít cán bộ, đảng viên và gia đình nêu gương tốt, tổ chức tiệc cưới theo tinh thần “trang trọng, lành mạnh, tiết kiệm”, mời khách trong phạm vi gia đình, đại diện cơ quan, đơn vị và một ít bạn bè thân thiết, thực hiện việc báo hỷ sau tiệc cưới… Một số tổ chức như Đoàn thanh niên, Hội liên hiệp thanh niên… đứng ra tổ chức lễ cưới cho nhiều cặp cùng lúc và đã để lại ấn tượng tốt. Tuy nhiên, việc cưới nhìn chung vẫn còn rình rang, tốn nhiều thời gian và còn lãng phí, còn là vấn đề bức xúc.

Xu hướng mời đông khách (không chỉ trong phạm vi gia đình và bạn bè thân thiết) chưa có dấu hiệu thuyên giảm bao nhiêu. Mỗi một tiệc cưới như ở TPHCM cũng phải mất vài tiếng đồng hồ, mặc dù thiệp mời có ghi rõ giờ đón khách, giờ nhập tiệc. Vẫn còn lãng phí vì bàn tiệc hay thừa vì người mời khó dự kiến người có mặt và thường là khách mời chỉ ăn một vài món rồi đi. Có những “công nghệ tiệc cưới” vui, lịch sự, ấn tượng nhưng có khi cũng rườm rà, gây tốn kém…

Ở TPHCM, cấp ủy, chính quyền, ngành văn hóa… cũng đã có sơ kết thực hiện Chỉ thị 27, có những mặt được nhưng còn nhiều điều chưa đạt như mong muốn về cuộc vận động này. Có lẽ, cũng cần có một sự xem xét, đánh giá, làm rõ đâu là nguyên nhân và cần có biện pháp cụ thể, phù hợp, khả thi, quan trọng là việc nêu gương của cán bộ, đảng viên, công chức.

Vẫn biết việc cưới là việc riêng, nhưng ứng xử việc riêng như thế nào cho tốt trong mối quan hệ với cộng đồng, phát huy được các giá trị đạo đức, truyền thống, lối sống cần kiệm, giản dị của dân tộc là việc cần được hướng đến.

Tinh thần chung là tiếp tục thực hiện Chỉ thị 27, mở rộng việc vận động toàn Đảng, toàn dân, đẩy mạnh xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa, thực hiện lành mạnh, tiết kiệm, tránh xa hoa, lãng phí, phiền nhiễu, chống khuynh hướng kinh doanh, vụ lợi…

Việc Thành ủy Hà Nội đưa vấn đề ra thảo luận, có sự tác động nhiều chiều nhưng cần thiết, trên cơ sở đó mà lắng nghe, điều chỉnh, điều đáng quan tâm là tạo ra sự nhận thức và tự giác thực hiện.

Phạm Phương Thảo

Tin cùng chuyên mục