Theo hãng thông tấn RIA, Nga sẽ sử dụng nguyên tắc tương đương nhằm đáp trả các lệnh trừng phạt mà Mỹ đã áp đặt lên Moscow vì “các cáo buộc can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ hồi cuối năm 2016 cũng như các vụ tấn công mạng” mà phía Nga cho là vô căn cứ.
Ông Ryabkov nhấn mạnh, những biện pháp trừng phạt mới của Mỹ nhằm vào Nga vẫn là những điệu múa chính trị xung quanh những cáo buộc hoàn toàn vô căn cứ rằng Nga can thiệp vào công việc nội bộ của Mỹ. Đây là lần đầu tiên Mỹ công khai buộc tội Nga xâm nhập vào cơ sở hạ tầng năng lượng của Mỹ.
Ông Ryabkov cho rằng các biện pháp này do một số thế lực ở Mỹ không muốn chấp nhận Nga như một nhân tố quan trọng trên trường quốc tế. Nga muốn duy trì đối thoại với Mỹ, đồng thời nhấn mạnh rằng những người ở Mỹ muốn phá hoại quan hệ với Nga là đang chơi với lửa.
Tuyên bố đáp trả được đưa ra chỉ một ngày sau khi ngày 15-3, Bộ Tài chính Mỹ đã công bố áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với 19 cá nhân và 5 tổ chức của Nga vì cái gọi là can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016 và những vụ tấn công mạng.
Trong số các tổ chức và cá nhân của Nga bị Mỹ áp đặt trừng phạt có Cơ quan an ninh liên bang (FSB), các tổ chức tình báo, Lực lượng đặc nhiệm (GRU) và 6 cá nhân làm việc cho GRU. Cá nhân nổi bật nhất bị liệt vào danh sách trừng phạt của Washington là ông Viktorovich Prigozhin, người nổi tiếng với biệt danh là bếp trưởng của Tổng thống Vladimir Putin, và có quan hệ mật thiết với ông Putin.
Tổng thống Mỹ đang cân nhắc các biện pháp trừng phạt Trung Quốc
Chính quyền của Tổng thống Donald Trump đang hối thúc Trung Quốc cắt giảm 100 tỷ USD trong thặng dư thương mại của nước này với Mỹ. Yêu cầu cắt giảm tình trạng mất cân bằng trong thương mại song phương kể trên được Washington đưa ra trong bối cảnh chính quyền Trump đang chuẩn bị áp thuế lên số hàng nhập khẩu trị giá 60 tỷ USD từ Trung Quốc, và sẽ nhằm vào các lĩnh vực công nghệ và viễn thông, gắn với cuộc điều tra về quyền sở hữu trí tuệ căn cứ vào Đạo luật thương mại Mỹ năm 1974. Cuộc điều tra được tiến hành từ tháng 8 năm ngoái.
Theo số liệu của Cơ quan Thống kê dân số Mỹ, thâm hụt thương mại năm 2017 của Mỹ với Trung Quốc đã chạm mức cao kỷ lục 375 tỷ USD, chiếm đến 2/3 tổng thâm hụt thương mại lên tới 566 tỷ USD của Mỹ trên toàn cầu.
Trong khi đó, theo số liệu từ phía Trung Quốc, thặng dư thương mại của nước này với Mỹ năm 2017 chỉ ở mức 276 tỷ USD, chiếm 2/3 tổng thặng dư thương mại trên toàn cầu (422,5 tỷ USD) của Trung Quốc.