Hợp tác chặt chẽ
Theo Reuters, dầu thô Brent ngày 31-3 tăng 30cent/thùng, lên mức 23,06USD/thùng, dầu thô của Mỹ tăng 1,21USD/thùng, lên mức 21,30USD/thùng. Các thị trường dầu mỏ đã phải đối mặt với khủng hoảng thừa do việc hạn chế đi lại trên toàn cầu vì Covid-19 và cuộc chiến giá cả giữa Saudi Arabia và Nga sau khi OPEC và các nhà sản xuất khác không đồng ý cắt giảm sâu hơn để hỗ trợ giá dầu vào đầu tháng 3.
Theo Điện Kremlin, ngày 30-3, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thảo luận tình trạng giá dầu giảm mạnh và hợp tác chặt chẽ nhằm đối phó với dịch Covid-19. Tuyên bố của Điện Kremlin nêu rõ: “Các nhà lãnh đạo đã bày tỏ lo ngại về quy mô lây lan của Covid-19 trên toàn thế giới... và thảo luận hợp tác chặt chẽ hơn nhằm ứng phó với Covid-19”. Hai tổng thống cũng đã “trao đổi quan điểm về hiện trạng thị trường dầu mỏ toàn cầu và sắp xếp các cuộc tham vấn song phương về chủ đề này” thông qua bộ trưởng năng lượng của hai nước.
Nhà Trắng cũng ra tuyên bố nêu rõ Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã “nhất trí phối hợp chặt chẽ hơn thông qua Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đối phó với dịch Covid-19 và cú sốc kinh tế. Tuyên bố cũng cho biết thêm rằng hai nhà lãnh đạo đã nhất trí về “tầm quan trọng của sự ổn định trên các thị trường năng lượng toàn cầu”.
Reuters dẫn lời ông Edward Moya, nhà phân tích thị trường cấp cao cho biết, giá dầu đang tăng trở lại từ mức thấp gần 18 năm với hy vọng tình trạng dư cung cuối cùng có thể giảm bớt. Saudi Arabia, lãnh đạo thực tế của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), có kế hoạch tăng xuất khẩu dầu mỏ lên 10,6 triệu thùng/ngày từ tháng 5 cũng đã đồng ý giảm sản lượng khai thác nhưng chưa công bố cụ thể.
Nhu cầu dầu tiếp tục giảm
Trả lời phỏng vấn hãng tin Fox News trước khi điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chỉ trích cuộc chiến giá dầu giữa Nga và Saudi Arabia, cho rằng việc này “thực sự ảnh hưởng” tới ngành năng lượng của Mỹ. Trong một phản ứng liên quan, Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro nhận định sự hồi phục giá dầu sau đại dịch Covid-19 phụ thuộc vào thỏa thuận của OPEC.
Các nhà máy lọc dầu ở châu Âu giảm sản lượng ít nhất 1,3 triệu thùng/ngày do nhu cầu giảm mạnh. Theo Ngân hàng UBS của Thụy Sĩ, ước tính nhu cầu dầu toàn cầu giảm 1,2 triệu thùng/ngày, tương đương 1,2%, trong cả năm 2020 do đại dịch Covid-19. Các nhà kinh tế tại tập đoàn chuyên kinh doanh kim loại và năng lượng Trafigura nói rằng nhu cầu dầu có thể giảm tới 30% trong những tuần tới so với cuối năm 2019.
Đầu tháng 3, giá dầu đã giảm mạnh sau khi cuộc đàm phán giữa OPEC về đề xuất tiếp tục giảm nguồn cung không đạt thỏa thuận, gây ra một cuộc chiến về giá. Nga và Saudi Arabia tiếp tục tăng sản lượng. Vào giữa tháng 3, một số nhà dự báo cho biết nhu cầu dầu có thể giảm 10 triệu thùng/ngày trong quý 2-2020. Vài ngày sau, một nhóm các nhà phân tích dự báo giảm 13-14 triệu thùng/ngày và vào tuần trước, Cơ quan Năng lượng quốc tế cảnh báo nhu cầu dầu có thể giảm 20 triệu thùng/ngày. Vì vậy, ngoài việc giảm sản lượng khai thác, OPEC đang tính tới việc tăng dự trữ sản phẩm trên bờ và cắt giảm công suất các nhà máy lọc dầu trên toàn cầu.
Theo báo cáo của Bloomberg, Hiệp hội Plains All American Pipeline đã gửi thư cho các nhà sản xuất dầu của Mỹ yêu cầu họ cắt giảm sản lượng. Số lượng giàn khoan của Mỹ đã giảm 44 (40 giàn khoan dầu và 4 giàn khí đốt) vào tuần trước, mức giảm lớn nhất trong 4 năm. Bank of America cho biết rất nhiều điều phụ thuộc vào việc thế giới có thể vượt qua đại dịch trong vài tháng tới hay không, nếu kéo dài trong năm tới và hơn thế nữa, giá dầu càng sụt giảm bất chấp các biện pháp cắt giảm sản lượng.