Ngăn chặn nạn bạo lực học đường

Mấy ngày nay, dư luận kinh sợ và lo ngại trước vụ một nữ sinh lớp 9 Trường THCS Phù Ủng (huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên) bị nhóm bạn chung lớp lột quần áo, đánh hội đồng dã man ngay trong lớp học. Nhiều bạn đọc, nhà giáo, nhà tâm lý học đã nêu ý kiến về việc ngăn chặn nạn bạo lực học đường.
Tham gia hoạt động trải nghiệm giúp học sinh định hình nhân cách và kỹ năng sống lành mạnh. Ảnh: THU TÂM
Tham gia hoạt động trải nghiệm giúp học sinh định hình nhân cách và kỹ năng sống lành mạnh. Ảnh: THU TÂM

Phòng ngừa trẻ lây nhiễm thói hư, tật xấu

Lâu nay trong giáo dục con cái, khi con phạm lỗi thì các bậc phụ huynh thường quan tâm đến các yếu tố như tác động từ phía gia đình, nhà trường và các tổ chức xã hội còn nhiều hạn chế, khiếm khuyết. Song, nếu nghiên cứu một cách cụ thể thì các nhà tâm lý học còn chỉ ra sự ảnh hưởng rất lớn của nhóm bạn bè đến sự phát triển nhân cách của con trẻ. Hay nói cách khác, nhóm bạn bè cũng là nguyên nhân trực tiếp ảnh hưởng đến suy nghĩ và hành vi tiêu cực. 

Nhận diện được dấu hiệu và giúp con trẻ biết cách ứng xử trước sự lôi kéo, cám dỗ từ các nhóm bạn là việc cần thiết trong gia đình và nhà trường. Trước hết, các nhóm tiêu cực nảy sinh từ những nhu cầu tự phát và bởi sự tùy tiện, vô nguyên tắc. Các em có thể bị tâm lý a dua, chạy theo lợi ích tiêu cực của nhóm, đua đòi, nhiễm thói hư tật xấu hoặc cũng có thể do lo sợ bạn tẩy chay. Đặc biệt, đối với học sinh là thiếu niên hay giai đoạn đầu của sự trưởng thành thì sự hình thành các nhóm tiêu cực sẽ rất nguy hiểm, nếu như thiếu sự kiểm soát, định hướng kịp thời của giáo viên, phụ huynh thì sẽ rất dễ dẫn đến những suy nghĩ và hành vi tiêu cực. 

Để phát hiện và kịp thời ngăn ngừa các nhóm tiêu cực, giáo viên phải thường xuyên theo dõi, kiểm tra hoạt động ngoài giờ của học sinh. Hướng các em vào các hoạt động lành mạnh, bổ ích, đặc biệt là hoạt động mang tính chất tập thể, sinh hoạt cộng đồng. Thông qua mỗi hoạt động học tập, lao động hay vui chơi, giáo viên nên giúp các em biết nhận xét, đánh giá cũng như phê phán các thói hư, tật xấu do sự lôi kéo, lây nhiễm. Giáo viên cần nắm vững tâm lý người học, đặc biệt những em có tâm lý cá biệt, hoặc lì lợm, hoặc bốc đồng… là những đối tượng thường hay dụ dỗ, lôi kéo người khác. 

LÊ PHẠM PHƯƠNG LAN (giảng viên tâm lý Đại học Nguyễn Huệ)


Quan tâm vấn nạn thiếu niên phạm pháp

Thời gian qua, ở nhiều địa phương đã xảy ra tình trạng bạo lực học đường, và vẫn cứ tiếp diễn. Ngay trong trường, không ít học sinh bị bạn học bắt nạt, đánh đập, trấn lột tiền bạc, nhưng nhà trường vẫn không hề hay biết, vẫn để cái ác lộng hành. Giáo viên chủ nhiệm cần phải sâu sát, chủ động nắm bắt tâm tư, tình cảm, tâm lý học sinh, nhất là học sinh độ tuổi dậy thì, tâm sinh lý rất phức tạp. Khi phát hiện có biểu hiện gì bất thường xảy ra, giáo viên chủ nhiệm phải phối hợp với nhà trường kịp thời có biện pháp ngăn chặn, bảo vệ. 

Đánh người là hành vi phạm pháp cố ý gây thương tích; lại còn xé quần áo nạn nhân, quay clip và phát tán trên mạng, là tội cố ý xúc phạm nghiêm trọng danh dự và nhân phẩm của bạn. Thế mà hiện nay, trong 5 mức kỷ luật học sinh vi phạm, mức cao nhất cũng chỉ đình chỉ học sinh học 1 năm. Nhưng mức này rất ít được áp dụng, thường chỉ dừng lại ở mức cảnh cáo trước toàn trường. Thực tế đang đòi hỏi phải có nghiên cứu, tìm giải pháp, hình phạt đúng mức và có đủ tính răn đe, thí dụ như: Có nên có trường giáo dưỡng để cải hóa trẻ vị thành niên phạm pháp hay không? Biện pháp cải hóa như thế nào là phù hợp và hiệu quả? Nếu không xử lý đúng mức hành vi này, sẽ còn xảy ra thêm rất nhiều vụ việc đau lòng như vậy. Trách nhiệm của các nhà quản lý giáo dục, nhà trường và thầy cô giáo cần phải được đặt cao hơn nữa, phải làm triệt để chứ không thể tiếp tục nương nhẹ với các hành vi này. 

VIỆT HÀ (Đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội)

 Chú trọng giáo dục nhân cách, đạo đức

Hiện nay, nhiều phụ huynh lo kiếm tiền mà lơ là việc chăm sóc và giáo dục, định hướng cho con cái. Một số gia đình có tình trạng chồng đánh vợ, cha đánh con, vô tình gieo rắc vào đầu trẻ sự tổn thương tâm hồn cũng như mầm mống bạo lực. Gia đình và nhà trường có một thời gian chỉ quan tâm đến dạy chữ mà coi nhẹ dạy trẻ làm người, dạy các giá trị sống cơ bản. Người lớn không là tấm gương hành vi tốt. Tất cả những điều đó làm cho trẻ chấp nhận bạo lực như một phần bình thường của cuộc sống và dùng bạo lực để đạt điều mình muốn. Tuổi 12 - 17 là giai đoạn các em có những chuyển biến tâm lý rất phức tạp, thường tỏ ra ương bướng, thích làm theo ý mình và có cái tôi cá nhân rất cao. Đôi khi chỉ vì một xích mích nhỏ với bạn bè đồng trang lứa, các em đã tỏ ra rất tức giận, căng thẳng và tìm cách dằn mặt bạn mình. Từ sự lệch lạc trong suy nghĩ, thiếu khả năng ứng xử hợp tình hợp lý với những mối quan hệ xung quanh, sai lệch trong quan điểm sống, dẫn đến thái độ sai trong nhận thức và hành động. 

Một nguyên nhân khác không thể không nói đến là tác động của mặt trái xã hội đến các em học sinh. Hàng ngày, trẻ thường xuyên chứng kiến những vụ ẩu đả, đánh nhau tại nơi mình sinh sống hoặc trên phim ảnh, game bạo lực đẫm máu. Chính những điều này đã khiến nhiều học sinh bị tiêm nhiễm và đã thực hành theo. 

Mỗi gia đình cần có định hướng, giáo dục trẻ ngay từ khi còn nhỏ. Chỉ có lòng nhân ái được gieo trồng bên trong mỗi đứa trẻ thì cái ác, cái xấu mới bị đẩy lùi. Muốn vậy, ngay từ khi con còn nhỏ, các bậc làm cha mẹ nên dạy trẻ yêu thương tất cả mọi người xung quanh, biết nhẫn nhịn và vị tha. Ở nhà trường, các thầy cô giáo cần chú trọng giáo dục nhân cách, đạo đức cho học sinh. Bên cạnh đó, cần giáo dục kỹ năng sống, rèn luyện các kỹ năng ứng xử. Thầy cô giáo chủ nhiệm cần quan tâm và chia sẻ đến các em như những người bạn, để kịp thời giải tỏa những vướng mắc, xích mích giữa các em học sinh với nhau; xây dựng môi trường lớp học thân thiện, đoàn kết. Đồng thời, các thầy cô giáo cần cung cấp những số điện thoại nóng để có thể hỗ trợ, giúp đỡ nạn nhân của bạo lực học đường.

MỸ DUNG (quận Thủ Đức, TPHCM)

Tin cùng chuyên mục