Ngăn chặn nạn cải trang để ăn xin

Trước đây chỉ những người tàn tật, già yếu, ốm đau, trẻ mồ côi không còn cách nào kiếm sống mới phải xin tiền trên vỉa hè, trong chợ, cổng chùa... Vậy mà nay, có những người lành lặn, mạnh khỏe cũng đi ăn xin và xem đó là cách kiếm sống. Họ không có vẻ rách rưới, đau yếu, không lê la xin tiền lẻ ở ngoài phố chợ, mà ăn mặc đàng hoàng, có khi còn khoác ba lô, đeo túi, đi gõ cửa từng nhà và đến các cơ quan, đơn vị, trường học để xin tiền chục ngàn, trăm ngàn bằng những kịch bản làm mọi người phải động lòng cứu giúp, như: lỡ tàu, lỡ xe, bị mất cắp không còn tiền về quê, đi bệnh viện thiếu tiền thuốc men... Có người đóng giả tu sĩ đi khất thực.

Bịp bợm hơn, có người đóng vai tăng ni đi dụ dỗ những người hảo tâm nhẹ dạ phát tâm công đức góp tiền xây dựng, trùng tu, sửa sang một đền chùa nào đó, nhưng thực chất là để bỏ túi ăn xài.

Trong khi nhiều người đã cảnh giác, không dễ bị mắc lừa, gần đây những kẻ lành lặn lười lao động đã chuyển sang kế khác: giả dạng làm người bị bệnh tật hoặc bế con nhỏ xin tiền tại các cổng trường. Học trò rất hướng thiện, nên dù chỉ có ít tiền ba mẹ cho để ăn quà sáng, nhưng thấy có người khốn khó là các cháu sẵn sàng cho ngay. Cháu này thấy cháu kia cho cũng đến cho và cùng hân hoan gom góp giúp đỡ, không cần ai đứng ra vận động.

Có khi chỉ 1 giờ xin tiền trước cổng trường là người ăn xin đã kiếm được 30.000-50.000 đồng một cách nhẹ nhàng. Chính vì vậy mà thường ngày ở các cửa trường học cũng thấy có người ăn xin, không phải diện khuyết tật cơ nhỡ nữa, mà là những kẻ “ăn xin chuyên nghiệp” lợi dụng từ tâm của trẻ em.

Các đối tượng kiếm sống cách đó đều là kẻ lười lao động, nhưng lại thích ăn ngon, mặc đẹp. Có không ít kẻ ban ngày đi ăn xin, tối về cờ bạc, nghiện hút. Có người còn mướn trẻ con để đi ăn xin rồi nhẫn tâm đánh đập, hành hạ. Giúp đỡ người khó khăn, tàn tật, túng thiếu là việc làm cần thiết và nghĩa cử nhân đạo, nhưng nên cảnh giác không để bị những người lười biếng lợi dụng, lừa đảo.

Mong rằng các địa phương tăng cường quản lý, ngăn chặn và xử lý nạn “ăn xin chuyên nghiệp”. Đây cũng là một trong những vấn đề cần phải giải quyết trong nỗ lực xây dựng thành phố văn minh hiện đại và thân thiện.

Lê Quang Huy

Tin cùng chuyên mục