Ngăn chặn những thảm kịch từ game online

Từ bi kịch...
Ngăn chặn những thảm kịch từ game online

Những câu chuyện đau lòng liên quan đến game online (GO) bạo lực vẫn là đề tài gây nhức nhối xã hội thời gian gần đây. Vì cần tiền, các game thủ sẵn sàng giết người, phạm pháp. Không dạy nổi con cái từ bỏ đam mê chết người này, nhiều bậc cha mẹ đã dùng nhục hình, đã đưa con đi trung tâm cai nghiện. Thế nhưng, thảm kịch từ GO vẫn đang tiếp diễn. Cách nào để GO thôi cướp đi những đứa con ngoan ngoãn, hiền lành của gia đình?

Ảnh: TTO

Ảnh: TTO

Từ bi kịch...

Mới đây nhất, khoảng nửa đêm 16-6-2011, chị Phùng Thị Cẩm Thơ, đang trông coi quán internet đã bị 2 thiếu niên mới 15, 16 tuổi (đang chơi game tại đây) dùng dao cứa cổ để cướp tiền. Tính mạng của chị đang trong tình trạng nguy kịch. Khó có thể thống kê hết những tác hại, hậu họa của GO bạo lực do những game thủ tuổi thiếu niên gây ra.

Chị H.T., một giáo viên ở TPHCM, đã khóc hết nước mắt khi phát hiện con nghiện GO bạo lực và biến chất quá nhanh. Từ ngoan hiền, học giỏi, bây giờ thằng con hay trốn trong phòng chơi game nhiều giờ liền, thậm chí không đoái hoài ăn uống. Bị nhốt nhưng… vừa cho tự do nó đã ra tiệm net suốt 1 ngày 1 đêm.

Một người cha có chức có quyền khác cũng phải bật khóc với đứa con trai học lớp 10 mê GO, bỏ dở chuyện học hành và tham gia băng trộm cắp xe máy để có tiền chơi xài, để chinh phục level (cấp độ) cao, trở thành game thủ hàng đầu của Võ lâm truyền kỳ, Đột kích, Kiếm thế… Ngăn chặn hết cách, vợ chồng anh đưa con đi cai nghiện game.

Những câu chuyện liên quan đến hành trình cai nghiện của các game thủ ở Trung tâm Thanh thiếu niên miền Nam trong 3 năm qua đều thấm đẫm nỗi đau, nước mắt của các bậc cha mẹ. Sau 3 năm triển khai chương trình duy nhất - cai nghiện game, trung tâm đã đưa hàng chục thanh thiếu niên thoát khỏi thế giới ảo, trở về đời thường.

Thế nhưng, hành trình cai nghiện game đâu dễ dàng và nhiều gia đình cảm thấy bất lực, để con trượt dài. Không chỉ bỏ bê học tập, chúng còn sẵn sàng trộm cắp, giết người để có tiền nuôi trò chơi ảo, chinh phục level cực đỉnh.

Như cảnh báo của các nhà xã hội học, giáo dục: Khó thể thống kê hết những thảm kịch do GO bạo lực tác động đến xã hội và từng gia đình. Báo chí từng nêu nhiều vụ án kinh hoàng do game thủ không tiền chơi game gây ra. Đó là chưa kể nhiều tệ nạn như trộm cước điện thoại để nạp tiền vào tài khoản chơi GO, gởi tin nhắn trúng thưởng giả qua điện thoại di động để lừa tiền…

Đến bất lực?

Câu chuyện khiến nhiều người day dứt lẫn đồng cảm với việc người cha, dùng nhục hình bắt hai con trai bò trên đường vì nghiện GO ở Gia Nghĩa, tỉnh Đắc Nông mới đây (ảnh). Điều này phản ánh thực trạng: nhiều gia đình cảm thấy bất lực. Phạt từ nhẹ đến nặng, thậm chí là nhục hình với con cái, hơn ai hết các bậc phụ huynh (PH) hiểu nếu không sớm cứu con mình thì chúng sẽ bị cuốn vào vòng phạm pháp, thậm chí lao lý.

Chị T.K.L. ở quận Bình Tân TPHCM, tâm sự: “Từ khi cậu con trai 16 tuổi học hành lơ đễnh vì mê GO, tôi thấy nó không còn ngoan ngoãn. Nó hay cáu gắt, còn khi ngủ thì lẩm bẩm những từ giết, đánh… ghê rợn”. Để cứu con, chị quyết định giảm bớt công việc, cắt đường truyền internet, giám sát con từng giờ và cùng con tìm lại niềm vui chơi thể thao, đi xem phim, ca nhạc.

Thế nhưng nhìn lại, số cha mẹ có đủ kiên nhẫn dìu dắt con thoát khỏi đam mê GO không nhiều. Thậm chí dù có nơi đón nhận, giúp game thủ từ bỏ thói quen sống với thế giới ảo thì nhiều PH cũng thiếu kiên nhẫn lẫn thời gian, tiền bạc để cùng con làm lại. Với những gia đình có thu nhập trung bình và thấp thì việc bỏ ra hàng triệu đồng cho con đi cai nghiện GO là điều xa vời.

Khởi động mô hình cai nghiện GO từ năm 2008, Trung tâm Thanh thiếu niên miền Nam đã thành công với nhiều khóa học, tỷ lệ bỏ GO đạt 90%. Chương trình này được nhiều PH quan tâm, gởi gắm con em. Tuy nhiên do một phần học phí hơi cao cộng thêm quyết tâm của người trong cuộc cùng PH chưa cao nên số lượng đăng ký vào hè năm nay giảm, chỉ còn 1 khóa, thời gian 12 ngày (từ 15 đến 27-8-2011) với học phí 12 triệu đồng/học viên.

Bà Trần Thị Kim Liên, Phó Giám đốc Trung tâm Thanh thiếu niên miền Nam, cho biết việc cai nghiện GO rất phức tạp, tốn nhiều công sức. Yếu tố quan trọng làm nên thành công chính là PH và người nghiện, khi đòi hỏi họ phải dũng cảm, có nghị lực và thể hiện quyết tâm cao nhất.

Cũng theo trung tâm, vào đầu hè, nhiều PH đăng ký, tìm hiểu chương trình nhưng sau đó lại quay lưng hoặc viện ra nhiều lý do như vận động con không được, không có thời gian theo con… Sự bất lực của một số PH cho thấy họ đã bỏ cuộc và buông xuôi.

“Về phía trung tâm, dù đã thành công với mô hình cai nghiện GO duy nhất cả nước nhưng chúng tôi cũng gặp không ít rào cản, lực cản từ nhiều phía” - bà Liên bộc bạch. Có thể nói đến giờ này, việc thẩm định đánh giá tác hại của GO bạo lực vẫn chưa được các cơ quan chức năng khảo sát, điều tra sâu rộng. Điều này cũng ảnh hưởng đến quyết tâm cai nghiện GO của các bậc PH.

Mặt khác vì không muốn giảm thị phần, nhiều nhà kinh doanh GO cũng hăm he, đe dọa trung tâm vì đã “ngăn cản” con đường chinh phục level của các game thủ. Như thế, để hiểu rõ tác hại của GO cũng như sớm ngăn chặn bi kịch, thảm kịch từ GO, chúng ta - từ gia đình đến xã hội - phải làm gì?

Khánh Hà

Tin cùng chuyên mục