Ngăn chặn thực phẩm độc hại

Dịp tết vẫn được coi là “mùa” hoành hành của các loại thực phẩm độc hại, kém chất lượng. Lợi dụng nhu cầu tăng cao trong những ngày này, một số kẻ buôn gian bán lận đã không từ thủ đoạn nào để làm giả các loại thực phẩm đang có thương hiệu trên thị trường, sản xuất các loại thức ăn (bánh, mứt, giò, nem...), thức uống (rượu, bia, nước ngọt, nước ép...) bằng các loại hóa chất bị cấm hay các nguyên liệu không đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm.
Ngăn chặn thực phẩm độc hại

Dịp tết vẫn được coi là “mùa” hoành hành của các loại thực phẩm độc hại, kém chất lượng. Lợi dụng nhu cầu tăng cao trong những ngày này, một số kẻ buôn gian bán lận đã không từ thủ đoạn nào để làm giả các loại thực phẩm đang có thương hiệu trên thị trường, sản xuất các loại thức ăn (bánh, mứt, giò, nem...), thức uống (rượu, bia, nước ngọt, nước ép...) bằng các loại hóa chất bị cấm hay các nguyên liệu không đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm.

Người tiêu dùng chọn mua kẹo mứt tết tại chợ Bến Thành TPHCM. Ảnh: Thanh Tâm

Người tiêu dùng chọn mua kẹo mứt tết tại chợ Bến Thành TPHCM. Ảnh: Thanh Tâm

Các cơ quan thú y, quản lý thị trường, y tế... vẫn tổ chức nhiều cuộc kiểm tra, thanh tra các cơ sở sản xuất thực phẩm tết nhưng số trường hợp bị phát hiện sai phạm xem ra còn ít so với số cơ sở gian dối. Bởi quy trình kiểm tra hiện nay khá rườm rà, các cơ sở sản xuất dễ tìm cách tẩu tán, phi tang hàng hóa vi phạm hoặc tìm cách đối phó. Trong khi đó, sự phối hợp giữa các ngành để kiểm tra, giám sát chất lượng của các khâu trong quy trình sản xuất còn lỏng lẻo. Mặt khác, sự chủ động tố giác của người dân đối với các cơ sở vi phạm còn rất hạn chế, do thiếu các điều kiện cần thiết. Điều đó cho thấy, sự nỗ lực của các cơ quan chức năng là đáng trân trọng nhưng chưa đủ nên hàng hóa kém chất lượng vẫn được bày bán rộng rãi trên thị trường, mà người tiêu dùng là nạn nhân.

Từ thực tế đó, chúng tôi xin đề xuất một số giải pháp:

Thứ nhất, yêu cầu đăng ký bắt buộc với các cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng tết. Điều này sẽ giới hạn số đơn vị có đủ điều kiện sản xuất, từ đó dễ quản lý hơn. Khi cấp phép, cần kết hợp tuyên truyền về yêu cầu đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, buộc ghi cam kết để nâng cao ý thức và trách nhiệm của các cơ sở này trong sản xuất, kinh doanh.

Thứ hai, tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra đột xuất các cơ sở sản xuất theo một quy trình phù hợp, tránh lạm dụng nhưng cũng tránh bỏ sót hoặc kiểm tra qua loa, chiếu lệ. Xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, kiên quyết đóng cửa những cơ sở không đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm.

Thứ ba, các ngành, các cơ quan chức năng cần phối hợp nhịp nhàng, đồng bộ trong việc kiểm soát chất lượng các loại thực phẩm, từ khâu mua nguyên liệu đến việc chế biến, bảo quản, mua bán. Cần có biện pháp “ngăn chặn từ xa”, quản lý từ gốc thay vì chỉ kiểm tra phần “ngọn”, khi đã ra thành phẩm.

Thứ tư, cần tạo cơ chế để người dân tham gia báo tin những trường hợp nghi ngờ vi phạm, lập “đường dây nóng” về an toàn vệ sinh thực phẩm, khen thưởng thỏa đáng, nhất là những trường hợp người dân tự chứng minh (một cách hợp pháp) được sản phẩm độc hại.

Thứ năm, tăng cường tuyên truyền các biện pháp tự bảo vệ trước những nguy cơ về ngộ độc thực phẩm, như phải mua hàng hóa có nhãn mác, có ghi rõ cơ sở/địa chỉ sản xuất, thời hạn sử dụng, tránh mua những hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Thứ sáu, tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm. Trong đó, chú trọng đúng mức vai trò quản lý nhà nước về công tác đảm bảo an toàn thực phẩm; có hình thức chế tài nghiêm khắc đối với cá nhân, tổ chức vi phạm.

Trúc Giang (quận 3)

Tin cùng chuyên mục