Ngăn dòng “chảy máu nhân tài”

Không phải đến khi 2 đội bóng đá rớt hạng, hàng loạt các môn thể thao thế mạnh của TPHCM chững lại, lãnh đạo UBND TPHCM mới vào cuộc, mà thời gian vừa qua, nhiều lần, lãnh đạo thành phố đã gặp gỡ giới chức ngành thể thao để lắng nghe, để cùng bàn về những giải pháp vực dậy vị thế số 1 của trung tâm đào tạo VĐV đỉnh cao hàng đầu Việt Nam.

Mới đây thôi, trong buổi làm việc với lãnh đạo Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch cũng như đại diện các đội bóng đá, Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân đã khẳng định các môn thể thao đỉnh cao phát triển chưa xứng với tầm vóc của TPHCM. Cần có một chiến lược đầu tư lại, rõ ràng và đáng tin tưởng để dần khôi phục hình ảnh của mình. Lãnh đạo thành phố luôn ủng hộ, luôn tạo tối đa mọi điều kiện để vực dậy không chỉ môn bóng đá, mà cho những môn thể thao thế mạnh khác như điền kinh, bóng chuyền, xe đạp, thể hình, võ thuật, bóng bàn… Đấy là nguồn hậu thuẫn không dễ gì có được.

Thực trạng “chảy máu nhân tài” diễn ra suốt thời gian dài qua khiến không chỉ lãnh đạo ngành TDTT đau đầu, mà ngay cả người dân TPHCM luôn tự hào về bề dày truyền thống thể thao cũng cảm thấy đau lòng. Có thể giữa bối cảnh cạnh tranh khốc liệt của thời mở cửa, thể thao TPHCM tạm lùi một bước, nhiều người tâm huyết còn chấp nhận được. Đằng này, sự sa sút rộ lên như một trào lưu ở hầu hết các môn thể thao thế mạnh mà chưa có cách nào kìm hãm được.

Sâu xa là những nguyên nhân nào?

Đầu tiên, đó là cách quản lý nguồn nhân lực của ngành TDTT không hiệu quả. Sự ràng buộc trách nhiệm giữa VĐV và ngành chủ quản đôi khi chỉ mang tính hình thức và “tin tưởng nhau là chính”, nên khi VĐV tài năng đòi dứt áo ra đi, gần như chẳng có gì cụ thể để giữ chân họ lại được. Bên cạnh đó, vì sự đầu tư của ngành TDTT quá dàn trải ở nhiều môn, thậm chí có những môn chỉ phát triển cho… đủ phong trào, mà không có sự tập trung nhất định. Vì vậy, dễ dẫn tới tình trạng “cào bằng” về chế độ bồi dưỡng giữa VĐV tài năng và VĐV bình thường. Tất nhiên, như thế là bất hợp lý và đôi khi, nói theo cách của chính những người tâm huyết trong ngành thể thao, đấy là điểm yếu nhất trong cách làm của ngành.

Thể thao đỉnh cao hiện đại cần sự vận động liên tục của những cá nhân, tập thể tham gia vào đó. TPHCM cũng không là ngoại lệ. Và điều cần thiết nhất hiện nay chính là, ngành TDTT phải ưu tiên cải thiện chế độ bồi dưỡng đối với các tài năng đặc biệt (UBND TPHCM cũng đã có chủ trương về điều này - PV), tổ chức chỉn chu lại bộ máy hoạt động, thay đổi tư duy đầu tư cho những môn thể thao trọng điểm (thay vì đầu tư dàn trải như trước)… thì mới dần tháo gỡ được những nút thắt của sự sa sút có hệ thống cấu thành từ cách đây 10 năm.

Làm lại từ bây giờ vì thế chẳng bị coi là quá muộn.

L.QUANG
 

Tin cùng chuyên mục