Trên Thế giới, các ngân hàng đã phát triển thành công như Ngân hàng tiết kiệm cho vay nhà ở của Cộng hòa Liên bang Đức, Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc... đã khẳng định sự phát triển của mô hình ngân hàng thương mại, dịch vụ tài chính đầu tư đa chức năng và có vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ ngành xây dựng, phát triển hạ tầng cơ sở và hạ tầng xã hội.
Tại Việt Nam, ngân hàng đa năng tập trung ưu tiên lĩnh vực xây dựng - Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam (tiền thân là Ngân hàng TMCP Đại Tín) đã công bố ra mắt tên gọi mới. Với chiến lược rõ nét đã được hoạch định, đồng thời với chức năng của một ngân hàng đô thị đa năng, hoạt động theo Luật các Tổ chức Tín dụng và các quy định Ngân hàng nhà nước như các ngân hàng TM khác của Việt Nam; Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam còn hướng đến mục tiêu ưu tiên phát triển hệ thống sản phẩm, dịch vụ, phục vụ nhóm ngành nghề đặc thù.
Ngân hàng Xây dựng Việt Nam công bố tên gọi chính thức
Tháng 5-2013, Thống đốc NHNN VN ban hành quyết định số 1161/QĐ-NHNN chấp thuận việc thay đổi tên gọi của Ngân hàng TMCP Đại Tín, theo đó, tên gọi mới là Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam (tên viết tắt Tiếng Việt và Tiếng Anh: Ngân hàng Xây dựng Việt Nam – Vietnam Construction Bank) đã chính thức được công bố (ảnh).
Việc chuyển đổi tên nhằm nâng tầm thương hiệu, phù hợp với chiến lược phát triển là đáp ứng nhu cầu thiết thực của nền kinh tế Việt Nam nói chung và Ngành Xây dựng hiện nay nói riêng. Ngay sau Lễ công bố ra mắt, Ngân hàng Xây dựng Việt Nam đã ký kết hợp tác với 2 ngân hàng gồm BIDV, Agribank về việc triển khai hỗ trợ tín dụng đối với các chương trình nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp.
Định hướng chiến lược mới
Trong bối cảnh tính cạnh tranh các Ngân hàng TM đang rất cao, đồng thời các ngân hàng đối mặt cùng những khó khăn nhất định từ tác động kinh tế thế giới và kinh tế trong nước, Ngân hàng Xây dựng Việt Nam xây dựng những chiến lược riêng cho mình để tạo nên những lợi thế cạnh tranh. Việc hình thành một tổ chức tín dụng tập trung hơn đáp ứng nhu cầu về vốn, dịch vụ thanh toán và các dịch vụ khác cho các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng và ngành xây dựng được coi là một chiến lược mang tính đón đầu.
Nắm bắt nhu cầu từ thị trường, hàng năm, tổng mức đầu tư của nền kinh tế vào ngành xây dựng liên tục tăng, đạt trung bình khoảng 10%. Năm 2010 đã đạt khoảng 30 nghìn tỷ đồng trên tổng số khoảng 830 nghìn tỷ đồng đầu tư toàn quốc. Đối với khu vực đầu tư Nhà nước, năm 2010 đầu tư vào ngành xây dựng khoảng 14,6 nghìn tỷ đồng trên tổng số 316 nghìn tỷ đồng của cả nước. Ước tính, năm 2012 tổng mức đầu tư vào ngành theo đúng mức độ tăng trưởng bình quân hiện tại 10% cho cả hai nhóm đầu tư Nhà nước và tư nhân thì sẽ có tổng mức 56,4 nghìn tỷ đồng.
Với kinh nghiệm của các cổ đông, các đối tác trong ngành xây dựng, các đối tác trong ngành ngành ngân hàng và nắm bắt xu thế khuyến khích phát triển kinh tế của Việt Nam, Ngân hàng Xây dựng Việt Nam chủ trương đẩy mạnh tập trung vào các thị trường trọng tâm, tạo thế mạnh cho riêng mình để phát triển. Trong đó, cung cấp dịch vụ cho vay xuất khẩu, cho vay và dịch vụ cho ngành vật liệu xây dựng và nhà ở cho người có thu nhập thấp sẽ được ngân hàng chú trọng phát triển.
Đặc biệt việc hợp tác kinh doanh với các Ngân hàng TM do Nhà nước nắm chi phối, trong các sản phẩm về nhà ở theo chủ trương của Chính phủ, Ngân hàng NNVN, Bộ xây dựng, trong đó có gói sản phẩm khép kín 4 Nhà (Ngân hàng, Nhà đầu tư, Nhà thầu, và Nhà cung ứng sản xuất vật liệu xây dựng - thiết bị nội thất (VLXD - TBNT)), và các gói sản phẩm cho nhà thu nhập thấp, nhà ở xã hội. Trong mối liên kết này, Ngân hàng Xây dựng Việt Nam có vai trò cung cấp các dịch vụ ngân hàng cho các bên liên quan và kết nối mạng lưới khách hàng tiềm năng rộng khắp trên cả nước.
Ý nghĩa xã hội của định hướng chiến lược mới
Theo đó, chuỗi khép kín 4 Nhà, giữa ngân hàng người mua, khách hàng, chủ đầu tư, nhà thầu, nhà cung ứng VLXD- TBNT, nhà sản xuất VLXD-TBNT, ngân hàng người bán, đã hình thành chu trình khép kín, giảm thiểu tối đa rủi ro cho tất cả các đối tượng tham gia. Việc Ngân hàng người mua cung cấp dịch vụ tín dụng, bảo lãnh cho các đơn vị cung ứng, và sản xuất VLXD- TBNT đã hỗ trợ trực tiếp cho các đơn vị nhà thầu, cung ứng VLXD và sản xuất.
Bám sát chủ trương Nghị quyết số 02/NQ-CP, từ gói 30.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội, thu nhập thấp (diện tích dưới 70m2, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2), khách hàng mua nhà tham gia cần có tối thiểu 20% vốn tự có, các doanh nghiệp là chủ đầu tư, nhà thầu… tham gia cần có tối thiểu 30% vốn tự có, các nhà cung cứng VLXD-TBNT có thể trả chậm cho các đối tác, các Ngân hàng người bán cùng tham gia cung cấp dịch vụ từ nguồn vốn thương mại.. từ đó tạo nên một đòn bẩy tài chính mới, kéo theo nguồn lực tài chính tổng thể của xã hội từ chuỗi giá trị lớn hơn nhiều lần điểm xuất phát 30.000 tỷ đồng.
Trong chuỗi giá trị này, vai trò nhà cung ứng VLXD-TBNT có vai trò quan trọng, tạo nên “sân chơi” nơi mà các nhà sản xuất VLXD-TBNT thay vì phải bán hàng trực tiếp thì sẽ thông qua vai trò trung gian như đại lý lớn kết nối các nhà sản xuất đồng thời với nhiều chủ đầu tư, nhà thầu … tạo ra một nhu cầu sử dụng VLXD-TBNT theo khối lượng lớn. Vì thế, lượng hàng khi qua vai trò nhà cung ứng VLXD-TBNT sẽ có giá thấp hơn thị trường bán lẻ trực tiếp và người hưởng lợi chính là các nhà đầu tư, nhà thầu xây dựng. Đồng thời thông qua vai trò nhà cung ứng VLXD-TBNT việc bán hàng thay vì trực tiếp nay có trở thành bán buôn, đặt hàng với số lượng lớn, nên các nhà sản xuất sẽ có nhiều đơn đặt hàng trước dạng mua sỉ nên các nhà sản xuất có kế hoạch dài hạn, giải phóng lượng hàng đang tồn kho trước mắt.
Khi các nhà đầu tư, nhà thầu thông qua vai trò nhà cung ứng VLXD-TBNT được mua VLXD-TBNT giá rẻ hơn thì sản phẩm sẽ có suất đầu tư thấp hơn, trên cơ sở đó, đầu ra giá bán có cơ hội thấp hơn, và người tiêu dùng có cơ hội mua sản phẩm với giá thành hợp lý hơn. Cũng vì vậy số lượng khách hàng có nhu cầu tăng lên, cầu của thị trường đối với phân khúc nhà ở xã hội, thu nhập thấp sẽ tăng lên.
Từ các cơ sở đó, chiến lược mới của Ngân hàng Xây dựng Việt Nam sẽ hướng đến góp phần thực hiện đúng chủ trương Nghị quyết số 02/NĐ-CP, góp phần giải phóng hàng tồn kho, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong ngành Xây dựng.
Mang đến giải pháp cho doanh nghiệp, cộng thêm giá trị cho nhà đầu tư và tăng lợi ích cho cộng đồng và xã hội sẽ luôn là những mục tiêu đồng hành trên tiến trình phát triển của Ngân hàng Xây dựng Việt Nam.
P.V.