Ngăn việc trục lợi quỹ bảo hiểm y tế

Ngăn việc trục lợi quỹ bảo hiểm y tế

Theo thông tin từ Bảo hiểm xã hội Việt Nam, chỉ trong nửa năm 2016, tại 37 tỉnh đã bội chi hơn 3.400 tỷ đồng quỹ bảo hiểm y tế (BHYT), tăng 40% so với cùng kỳ năm 2015. Nguyên nhân do số đối tượng tham gia BHYT tăng 12%, do điều chỉnh giá dịch vụ y tế và do thông tuyến huyện khám chữa bệnh (KCB). Song điều đáng nói ở đây là một phần không nhỏ quỹ BHYT đã bị chiếm dụng từ nhiều phía. Vậy nguyên nhân lạm dụng từ đâu?

Người dân đăng ký khám bệnh bằng bảo hiểm y tế

Trước hết, phải khẳng định nhiều cơ sở khám chữa bệnh (KCB) có hợp đồng với cơ quan Bảo hiểm xã hội các cấp đã cố tình chiếm đoạt quỹ bằng nhiều hình thức. Cụ thể, tại Thanh Hóa, tình trạng các cơ sở KCB đi vận động người có thẻ BHYT để KCB BHYT diễn ra từ lâu. Họ thuê xe khách đưa đón người có thẻ BHYT thuộc các nhóm đối tượng không cùng chi trả với số lượng lớn đến KCB tại nhiều bệnh viện. Các cơ sở y tế này trả tiền vận chuyển cho nhà xe, tiền bồi dưỡng cho những cá nhân đi vận động người có thẻ BHYT đến khám bệnh; miễn phí tiền ăn nghỉ cho bệnh nhân và người nhà.... Hay Bệnh viện Y học cổ truyền L.Q. (trụ sở tại thành phố Bắc Giang) đã gom người để khám theo từng đợt với chiêu thức kết hợp các hội người cao tuổi ở địa phương vận động người cao tuổi đi KCB theo đợt và chi hỗ trợ 120.000 đồng/người. Với cách làm này, Bệnh viện Y học cổ truyền L.Q. có mức tăng lượt KCB nội trú lên 135% với mức chi phí tăng đến hơn 1.200% so với cùng kỳ năm trước, tổng số tiền vượt quỹ sau khi đã trừ chi phí tăng giá dịch vụ y tế gần 3,4 tỷ đồng. Qua thanh tra, kiểm tra, Bảo hiểm xã hội tỉnh Bắc Giang đã từ chối thanh toán hơn 1 tỷ đồng đối với bệnh viện này. Có những trường hợp đi khám bệnh tới 27 lượt/tháng, thậm chí trong một buổi đi khám ở 2 - 3 cơ sở khác nhau, lấy thuốc đem bán.

Trong khi đó, đội ngũ giám định viên BHYT của hệ thống Bảo hiểm xã hội, nhất là cấp quận, huyện phần lớn có trình độ trung cấp y - dược, nên khi thực hiện giám định chi phí BHYT qua bệnh án gặp rất nhiều khó khăn, bởi chuyên môn làm sao kiểm soát, phản biện được y lệnh của thầy thuốc trình độ bác sĩ chuyên khoa.

Để ngăn chặn tình trạng trục lợi quỹ BHYT, cần khẩn trương hoàn thiện kết nối mạng cập nhật thông tin kiểm soát mật độ KCB bằng thẻ BHYT. Song, việc này không thể hoàn thiện ngay cho trên 63 triệu thẻ BHYT. Do vậy, biện pháp cấp thiết trước mắt là cần ban hành sổ nhật ký KCB, theo đó khi bệnh nhân có thẻ BHYT đến KCB tại các cơ sở y tế, bắt buộc phải xuất trình thẻ kèm sổ này, khi đó các cơ sở khám chữa bệnh rất khó liên minh với bệnh nhân trục lợi, bởi cán bộ giám định BHYT dễ dàng phát hiện lạm dụng qua việc sử dụng thẻ nhiều lần trong ngày, trong tháng, trong năm.

NGUYỄN TIẾN ĐẠT (huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng)

Tin cùng chuyên mục