Để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của khách hàng và kịp thời giải quyết những bức xúc của người dân liên quan đến hoạt động cung ứng điện, ngành điện TPHCM đang tổ chức hàng loạt cuộc tiếp xúc, đối thoại với người dân ở các tổ dân phố, khu phố. Lời khen không ít, tiếng chê cũng còn, đây chính là cơ hội để ngành điện lực TPHCM cải tiến hoạt động của mình.
Nhiều cố gắng
Tại buổi tiếp xúc, đối thoại với lãnh đạo Công ty Điện lực Thủ Đức, chú Bùi Ngọc Quang (ngụ khu phố 3, phường Bình Chiểu, Thủ Đức) bày tỏ: “Tôi rất vui về những cải cách hành chính của ngành điện TPHCM. Hồi trước, khi đi đóng tiền điện, người dân phải chầu chực xếp hàng rất lâu, bây giờ đóng tiền điện rất dễ dàng, thuận tiện. Hay như chuyện xin điện kế, trước đây thủ tục lòng vòng từ khu phố lên phường để xác nhận, còn bây giờ công ty điện lực trực tiếp nhận và xử lý luôn. Đó là sự đổi mới có hiệu quả, rất đáng hoan nghênh”.
Nhiều khách hàng khác cũng công nhận việc mở rộng 10 hình thức thanh toán tiền điện như thanh toán trực tiếp, thanh toán qua các phòng giao dịch của ngân hàng, bưu cục, máy ATM, internet, tin nhắn… đã tạo nhiều tiện lợi, người dân không còn mất thời gian chờ đóng tiền điện như trước. Riêng tại Công ty Điện lực Thủ Đức, đến nay tỷ lệ khách hàng thanh toán tiền điện qua các loại hình dịch vụ đã lên đến 70%.
Bà Lê Thị Thanh Hoa, chủ nhà trọ ở phường Linh Xuân (Thủ Đức) nói: “Tôi rất vui vì mấy anh nhân viên điện lực đã tận tình, niềm nở chỉ dẫn các thủ tục để đăng ký định mức điện cho người thuê trọ. Thậm chí khi khảo sát gắn điện kế, các anh còn chỉ tôi kéo dây điện thế nào cho an toàn, cách ghi chỉ số điện, ngày nhân viên đến thu tiền…”. Được biết, với sự phối hợp của địa phương, tại quận Thủ Đức, ngành điện lực TPHCM đã cấp định mức cho 6.444 chủ nhà trọ, đạt tỷ lệ 91,9%, nhờ đó có hơn 145.662 người thuê trọ được mua điện đúng giá.
Tại buổi tiếp xúc, đối thoại với Công ty Điện lực Bình Phú do UBND quận 6 tổ chức, nhiều ý kiến ghi nhận trong thời gian gần đây ngành điện đã làm tốt việc chuyển tải các thông tin an toàn điện đến người dân và đề nghị nên tổ chức nhiều cuộc đối thoại để có sự giám sát, góp ý của người dân cho hoạt động của ngành.
Vẫn còn những bức xúc
Cũng tại các cuộc tiếp xúc, đối thoại này, người dân đã thẳng thắn chỉ ra những “hạt sạn”, tồn tại của ngành điện. Phần lớn ý kiến đóng góp tập trung vào thái độ tiếp xúc khách hàng của một bộ phận nhân viên điện lực. Góp ý với lãnh đạo Công ty Điện lực Bình Phú, có ý kiến phàn nàn: “Hôm xảy ra bão số 1, khu dân cư bị mất điện, người dân phản ánh thì nhân viên điện lực xuống đóng lại cầu dao rồi về ngay, chẳng thèm hỏi han, chờ nghiệm thu gì cả, thế nên một lúc sau lại xảy ra sự cố, điện lại mất. Hay như chuyện đi thu tiền điện, không biết có phải vì giao chỉ tiêu quá tải hay không mà tôi mới nghe gọi cửa, chưa kịp mở cửa trả tiền điện thì nhân viên đã bỏ đi mất tiêu”.
Chị Mai Thanh (ngụ phường 2, quận 6) bất bình: “Người dân bận rộn, muộn đóng tiền điện vài ngày đã bị ngành điện hăm cắt điện. Cư xử căng thẳng với khách hàng như vậy là không phù hợp, chúng tôi chưa kịp đóng tiền chứ đâu phải không đóng tiền”.
Khách hàng cũng góp nhiều ý kiến liên quan chính sách hỗ trợ về điện đối với diện hộ nghèo, vùng nông thôn. Trong cuộc tiếp xúc, đối thoại tại huyện Củ Chi, một khách hàng giãi bày: “Nói thiệt, nhiều hộ nông dân xài điện tiết kiệm lắm vì tiền điện cũng là một gánh nặng đối với mức thu nhập khá thấp ở nông thôn. Khi chưa tới mùa vụ thu hoạch, nhiều hộ nông nghiệp không sao xoay xở được tiền đóng tiền điện. Nên thông cảm nông dân nghèo, có cách nào du di diện hộ nông dân nghèo được đóng tiền điện chậm để chờ thời điểm thu hoạch được không”. Đại diện UBND thị trấn Củ Chi cũng đề nghị ngành điện lực nên tăng định mức điện (giá 993 đồng/kWh) cho các hộ nghèo từ 50 lên 80kWh/tháng. Tại các cuộc gặp gỡ, đối thoại ở các quận 6, 11, Thủ Đức, nhiều khách hàng còn đề nghị ngành điện phải có trách nhiệm cao hơn trong việc quản lý các trụ điện, hạn chế tình trạng trụ điện bị treo dán quảng cáo, giăng cáp bừa bãi, mất mỹ quan đô thị.
Các kiến nghị, nguyện vọng của khách hàng nêu tại các cuộc tiếp xúc, đối thoại với ngành điện lực đã được được trả lời tại chỗ hoặc ghi nhận để kiểm tra, xác minh. Những kiến nghị “nằm ngoài tầm tay”, ngành điện lực TPHCM hứa “sẽ có văn bản kiến nghị lên trên để tháo gỡ cho dân”. Khách hàng Lê Xuân Là (ngụ phường 6, quận 11) nhận xét: “Đối thoại với dân một cách thẳng thắn và cầu thị là một điều thật mới mẻ của ngành điện lực TPHCM”.
Thư Lê