Ngành Răng hàm mặt Việt Nam đã và đang có bước tiến mạnh mẽ, vững chắc

Ngày 13-12-2014, Bệnh viện Răng Hàm Mặt (RHM) Trung Ương TPHCM phối hợp với Bệnh viện RHM Trung ương Hà Nội tổ chức hội nghị Giao ban ngành - tổng kết chương trình Nha học đường toàn quốc lần thứ hai tại huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.
Ngành Răng hàm mặt Việt Nam đã và đang có bước tiến mạnh mẽ, vững chắc

Hội nghị giao ban ngành RHM, tổng kết chương trình nha học đường toàn quốc lần thứ 2

Ngày 13-12-2014, Bệnh viện Răng Hàm Mặt (RHM) Trung Ương TPHCM phối hợp với Bệnh viện RHM Trung ương Hà Nội tổ chức hội nghị Giao ban ngành - tổng kết chương trình Nha học đường toàn quốc lần thứ hai tại huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.

Hội nghị rất vinh dự đón tiếp sự tham dự của Thứ trưởng Bộ Y tế  PGS.TS. Nguyễn Viết Tiến, PGS.TS. Trịnh Đình Hải - Giám đốc Bệnh viện RHM Trung ương Hà Nội, ThS. Lê Trung Chánh - Giám đốc Bệnh viện RHM Trung Ương TPHCM, cùng với sự hiện diện của trưởng phó khoa Răng Hàm Mặt một số trường Đại học Y - Dược, đại diện lãnh đạo các Sở Y tế, Sở Giáo dục - Đào tạo, Trung tâm Y tế và bác sĩ trưởng khoa RHM đầu ngành và Phụ trách Nha học đường (NHĐ) từ 63 tỉnh thành cả nước.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến (giữa) cùng lãnh đạo địa phương và hai Bệnh viện RHMTW Hà Nội và TPHCM.

Hội nghị giao ban ngành RHM - tổng kết chương trình NHĐ đã đạt được kết quả tốt đẹp, có ý nghĩa, là cơ hội đặc biệt để cán bộ phụ trách ngành RHM có thể trao đổi, đúc kết những kinh nghiệm quý báu, chia sẻ những khó khăn và đề xuất giải pháp trong quản lý ngành RHM toàn quốc, giúp Bộ Y tế có được những hoạch định, chính sách và chương trình hành động trong thời gian tới sao cho sát thực tiễn để phát triển ngành RHM lên tầm cao mới.

Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến đã đánh giá cao về các thành tựu đạt được của ngành RHM và cho rằng: “Ngành Răng Hàm Mặt phát triển song hành với các nước phát triển trên thế giới. Kỹ thuật ở các nước Mỹ, châu Âu và các nước phát triển trong khu vực châu Á phát triển tới đâu, chúng ta đều cập nhật. Nhiều kỹ thuật chúng ta đã tiếp nhận được (kể cả kỹ thuật khó) từ bệnh viện trung ương đến các bệnh viện tuyến tỉnh và đã mang lại lợi ích to lớn, đáp ứng nhu cầu của người dân”.

Trong năm qua, Bệnh viện RHM Trung ương TPHCM và Bệnh viện RHM Trung ương Hà Nội với chức năng, nhiệm vụ là bệnh viện đầu ngành trong lĩnh vực RHM của miền Nam và miền Bắc, đã nhận được sự hỗ trợ rất lớn và sự quan tâm chỉ đạo ngành từ lãnh đạo Bộ Y tế. Bệnh viện đã từng bước kiện toàn hệ thống mạng lưới RHM các tỉnh thành, chuẩn hóa tiêu chuẩn đánh giá các hoạt động chuyên khoa của tuyến trên hai lĩnh vực phòng bệnh và điều trị như: tổ chức các lớp tập huấn về chăm sóc sức khỏe răng miệng nghiệp vụ Nha học đường và các lớp đào tạo chuyên sâu nâng cao năng lực và kỹ năng điều trị cho cán bộ RHM tuyến cơ sở; hỗ trợ ghế máy nha, dụng cụ và vật liệu ban đầu cho vùng sâu, vùng xa như: Bệnh viện RHMTW TPHCM đã hỗ trợ ghế máy nha, trang thiết bị ban đầu cho khoa RHM huyện đảo Lý Sơn - Quảng Ngãi, Bệnh viện RHMTW Hà Nội đã hỗ trợ ghế máy nha cho khoa RHM tỉnh Bắc Giang,…; tăng cường công tác tuyến, truyền thông giáo dục sức khỏe răng miệng và giám sát y tế tại các trường học,…

Trong lĩnh vực điều trị, bệnh viện luôn quan tâm, cử cán bộ luân phiên hỗ trợ nâng cao chuyên môn cho các bệnh viện tuyến tỉnh (công tác 1816), giúp cán bộ tuyến dưới tiếp thu đầy đủ kiến thức lẫn thực tiễn, được đào tạo, cập nhật tay nghề kiến thức mới để phục vụ tốt hơn cho công tác điều trị. Bệnh nhân vùng sâu, vùng xa có thể đến khám trực tiếp tuyến cơ sở, giảm quá tải cho bệnh viện tuyến trên ví dụ như tỉnh Cà Mau gần như “trắng” về RHM đến nay đã thực hiện gần 80% nhu cầu chữa bệnh RHM ở tỉnh.

Bên cạnh những thuận lợi và kết quả đạt được, ngành RHM vẫn còn đối phó nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt nguồn nhân lực. Tính đến năm 2014, số lượng cán bộ RHM các tỉnh thành còn thiếu rất nhiều, trung bình 1 BS chăm sóc cho khoảng 50.000 dân. Sự phân bố BS không đồng đều, phần lớn cán bộ RHM tập trung tại các thành phố lớn.

Thứ trưởng Bộ Y tế cũng đánh giá cao về sự gắn kết, thống nhất, đồng thuận về chương trình hành động của hai Bệnh viện RHM Trung ương TPHCM và Hà Nội để chỉ đạo sát xao, quan tâm hỗ trợ rộng khắp mạng lưới RHM hai miền Nam Bắc sao cho không để có những vùng trống về RHM và đảm bảo công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Bên cạnh đó, chương trình Nha học đường cũng nhận được sự quan tâm sâu sát của lãnh đạo Bộ Y tế và khẳng định đây là một trong các chương trình mục tiêu quốc gia cần thiết, hướng tới thành lập Ban chỉ đạo quốc gia Nha học đường để củng cố và phát triển chương trình trong hoàn cảnh khó khăn hiện nay.

Hội nghị còn khen thưởng cho 21 tập thể có thành tích về công tác phát triển mạng lưới RHM và 22 tập thể có thành tích về công tác phát triển Nha học đường cho các tỉnh thành trên toàn quốc nhằm ghi nhận, khích lệ thành tích đạt được của các tập thể trong công tác phát triển ngành.

Ngành RHM Việt Nam đã và đang có bước tiến mạnh mẽ, vững chắc thực hiện tốt hơn nhiệm vụ của Đảng và Nhà nước giao phó là việc chăm sóc sức khỏe nhân dân.

 PHƯƠNG LAN

Tin cùng chuyên mục