Từ đầu năm đến nay, liên tiếp xảy ra hàng chục vụ hỏa hoạn tại TPHCM, Kiên Giang, Gia Lai, Kon Tum, Thừa Thiên - Huế, Nghệ An, Hà Tĩnh, Hưng Yên…, do kẻ thủ ác đốt nhà để trả thù, không chỉ gây thiệt hại về tính mạng và tài sản của người bị hại, mà còn khiến người thân và những nhà lân cận bị vạ lây. Dư luận xã hội bàng hoàng và lên án về hành vi tàn độc, nhẫn tâm của kẻ thủ ác.
Qua các vụ việc xảy ra cho thấy, thủ phạm thường là người quen biết với các nạn nhân, thậm chí là người thân trong gia đình hay hàng xóm láng giềng, và luôn có sự chuẩn bị kỹ càng trước khi ra tay, chứ không phải chỉ là hành vi bốc đồng lúc nóng giận. Nguyên nhân đôi khi chỉ là những mâu thuẫn không lớn, ghen tuông trong chuyện tình cảm, nhưng đã không được giải quyết rốt ráo. Hành vi phạm tội là đặc biệt nghiêm trọng, không những tước đi tính mạng của nhiều người mà còn xâm phạm đến quyền sở hữu về tài sản của công dân được pháp luật bảo vệ. Để thực hiện hành vi phạm tội, kẻ thủ ác đã lên kế hoạch chuẩn bị xăng - là chất dẫn cháy rất nguy hiểm, thường tính toán thời gian phóng hỏa lúc đêm khuya - là khi mọi người đang ngủ say và không có người qua lại để che giấu hành vi phạm tội.
Hành vi của thủ phạm thể hiện ý thức chủ quan cố ý tước đoạt tính mạng của người khác; dùng xăng là chất dẫn cháy phóng hỏa vào nhà người khác gây nguy hiểm đến tính mạng và gây thiệt hại về tài sản của gia đình. Với hậu quả làm chết người và thiệt hại về tài sản do cháy, thì thủ phạm phải chịu trách nhiệm về tội giết người và tội hủy hoại tài sản. Tội phạm và hình phạt được quy định tại Điều 123 và Điều 178 Bộ luật Hình sự 2015. Kết quả định giá tài sản thiệt hại sẽ là căn cứ xử lý nghi phạm tương ứng theo quy định tại Điều 178 Bộ luật Hình sự 2015. Với việc đốt nhà để trả thù, thủ phạm đã phạm 2 tội, trong đó có tội giết người với nhiều tình tiết định khung tăng nặng, nên cần xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Nếu thủ phạm có đủ năng lực trách nhiệm hình sự, thì phải đối mặt với hình phạt tử hình.
Từng gia đình, từng khu dân cư, ngay từ đầu cần quan tâm hòa giải, ngăn chặn có hiệu quả những mâu thuẫn, hiềm khích để tránh xảy ra những sự việc đáng tiếc. Lâu nay, việc quản lý các chất gây cháy như xăng, dầu, hóa chất dễ cháy nổ vẫn còn bất cập. Ai cũng có thể mua các chất dễ cháy này bất kể sử dụng cho mục đích gì, số lượng bao nhiêu. Do vậy, cần tăng cường quản lý việc mua bán các chất dễ cháy để chủ động phòng ngừa thiệt hại do các hành vi cố ý gây cháy nổ.