Trong khoảng 1 năm nay tại nhiều địa phương trong nước đã liên tục xảy ra những vụ đe dọa, hành hung mang tính chất côn đồ đối với bác sĩ tại các bệnh viện. Mới đây, vụ hàng chục đối tượng cầm dao, mã tấu xông vào Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TPHCM) hăm dọa, hành hung đội ngũ bác sĩ đang làm nhiệm vụ, gây bàng hoàng, bức xúc trong dư luận.
Có thể thấy hầu hết các vụ cố ý hành hung gây thương tích hoặc đe dọa bác sĩ đều có nguyên nhân quá bức xúc trước cái chết đột ngột của người thân và theo họ là do thái độ làm việc thờ ơ, thiếu trách nhiệm của đội ngũ y tá, bác sĩ. Nỗi bức xúc của thân nhân bệnh nhân cũng dễ hiểu, nhưng khi bộc phát thiếu kiềm chế đến mức cầm dao, vác mã tấu xông vào bệnh viện đe dọa, hành hung các bác sĩ là hành vi mang tính chất lưu manh, côn đồ, gây mất an ninh trật tự công cộng, bất chấp pháp luật nhà nước.
Cũng cần nói thêm về trách nhiệm của lực lượng công an địa phương, không thể chấp nhận tình trạng ứng cứu quá chậm chạp sau khi nhận được tin báo của bệnh viện. Rất lâu sau đó, khi các đối tượng có hành động côn đồ đã giải tán, lực lượng công an địa phương và lực lượng cảnh sát phản ứng nhanh mới đến bệnh viện. Để không còn tái diễn nạn côn đồ xông vào bệnh viện, lực lượng công an cần làm tròn trách nhiệm là lực lượng đại diện cho luật pháp nhà nước, giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ sức khỏe, tính mạng cho mọi người. Bất luận vì lý do gì, hành vi côn đồ hoành hành tại bệnh viện cần phải bị nghiêm trị thích đáng để răn đe chung và bảo đảm trật tự tại các bệnh viện.
Để giảm bớt nỗi đau, nỗi bức xúc của thân nhân người bệnh, hạn chế đến mức thấp nhất hành động quá khích, bộc phát tức thời, nhất là hành động mang tính chất côn đồ xảy ra tại các bệnh viện, đội ngũ y bác sĩ phải nâng cao y đức và nghiệp vụ của mình trong trách nhiệm cứu chữa người bệnh. Thấu hiểu với nỗi đau của người bệnh và thân nhân người bệnh như là nỗi đau của mình và người thân mình, để từ đó có cái nhìn cảm thông và sẻ chia nhiều hơn với người bệnh.
NGUYỄN ĐƯỚC (quận 5, TPHCM)