Đọc bài “Xe ba, bốn bánh thô sơ: Đã cấm vẫn hoạt động” đăng trên Báo SGGP số ra ngày 16-3, tôi thấy tình hình thật đáng lo ngại. Quy định cấm và hạn chế xe ba, bốn bánh thô sơ, tự chế lưu thông trên 67 tuyến đường ở TPHCM đã có hiệu lực từ ngày 1-1-2010, vậy mà đến nay các loại xe này vẫn “vô tư” chạy trên đường, bất chấp quy định cấm.
Ai cũng biết các chủ xe ba, bốn bánh thô sơ, tự chế hầu hết là người lao động nghèo, trình độ học vấn thấp, trong đó phần lớn là dân nhập cư, không có hộ khẩu TP. Do đó, mặc dù biết quy định cấm của TP nhưng họ vẫn cố chạy xe, vì không nhận được tiền hỗ trợ hoặc do tiền hỗ trợ chưa đủ để họ chuyển đổi nghề.
Song, chúng ta không thể vịn vào những lý do đó để biện minh sự bất lực trong việc thực hiện chủ trương của TP. Bởi trước đó, thời hạn cấm đã được dời đi dời lại rất nhiều lần, công tác vận động, tuyên truyền cũng được phổ biến sâu rộng.
Hiện nay có tình trạng hễ đoạn nào có cảnh sát giao thông đứng gác, người điều khiển xe ba, bốn bánh sẽ cho xe đi vòng vào mấy ngõ hẻm vắng người. Đến chỗ không có cảnh sát, họ lại thản nhiên chở hàng.
Người chạy cứ chạy, cảnh sát phạt cứ phạt, khiến quy định cấm mất dần tính nghiêm minh: những người trước đây chạy xe ba, bốn bánh tự chế nhưng nay đã chuyển đổi nghề nhìn vào thực trạng đó mà bất bình. Quy định ban ra nhưng người thi hành, kẻ không, trong khi đó, ngay cả các cơ quan chức năng cũng tỏ vẻ bất lực trong việc kiểm tra và quản lý.
Thiết nghĩ đã đến lúc các lực lượng chức năng mạnh tay hơn nữa trong công tác kiểm tra và xử lý vi phạm. Chính quyền địa phương cũng cần quan tâm nhiều hơn nữa đến hiệu quả chuyển đổi nghề của những người từng chạy xe ba, bốn bánh thô sơ, tự chế, tiếp tục hỗ trợ khi họ gặp khó khăn, tránh nguy cơ “người quen nghề cũ”.
Điều quan trọng là công tác vận động, hỗ trợ phải được làm đến nơi đến chốn, tránh tình trạng quản lý nửa vời như hiện nay.
Thanh Thu (Q.Bình Thạnh, TPHCM)