Người dân chưa mạnh dạn thực hiện quyền tố cáo

Trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng, không chỉ cần có sự nỗ lực của các cơ quan nội chính, bảo vệ pháp luật, mà còn rất cần có sự cung cấp thông tin và tham gia giám sát của người dân. Luật Tố cáo là công cụ, hành lang pháp lý để người dân mạnh dạn thực hiện quyền tố cáo, góp sức tham gia phòng chống tham nhũng.

Theo quy định của Luật Tố cáo, tố cáo là việc công dân báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền biết về hành vi vi phạm pháp luật của bất kỳ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại lợi ích của nhà nước, quyền lợi hợp pháp của công dân, cơ quan tổ chức.

Luật Tố cáo đã quy định rõ, chặt chẽ về quyền và nghĩa vụ của công dân khi tố cáo, nhưng thực tế người dân chưa mạnh dạn thực hiện quyền của mình. Điều  này xuất phát từ cả hai phía, từ người tố cáo và đối tượng giải quyết tố cáo. Về phía người dân, nhiều người chưa nắm vững kiến thức pháp luật, mà cả những người am tường luật pháp cũng chưa mạnh dạn thực hiện quyền tố cáo theo luật định. Tâm lý sợ cán bộ chính quyền, lo ngại bị trù dập vẫn còn quá nặng. Vì thế nhiều người thấy sự sai trái, tham nhũng, nhưng thờ ơ không thực hiện tố cáo. Đối với những cán bộ, tổ chức giải quyết tố cáo, cũng có những trường hợp chưa nghiêm túc thực thi Luật Tố cáo, còn cố tình né tránh, chậm thụ lý giải quyết đơn thư tố cáo của công dân. Điều này phần nào làm nản lòng, xói mòn lòng tin của người dân khi thực hiện việc tố cáo. 

Mặc dù Luật Tố cáo đã tạo được hành lang pháp lý để toàn dân tham gia phòng chống tham nhũng, nhưng luật vẫn chưa phát huy hết tác dụng, vì thực tế vẫn tồn tại tình trạng “đấu tranh rồi tránh đâu”. Đối tượng tham nhũng phần lớn là những người có chức, quyền trong bộ máy chính quyền và người có nhiều tiền, thế lực trong xã hội. Do vậy, người dân lo ngại việc tố cáo không những không được giải quyết dứt điểm, mà còn bị trù dập, trả thù. Mặc dù luật đã quy định về bảo vệ người tố cáo nhưng cũng khó tránh được hậu quả, với những cách trả thù hết sức tinh vi.

Để người dân mạnh dạn thực hiện quyền tố cáo, các cấp, các ngành, địa phương cần thể hiện rõ quyết tâm và trách nhiệm chống tham nhũng, quan tâm chỉ đạo, đôn đốc thực hiện nghiêm Luật Chống tham nhũng, Luật Tố cáo, Chỉ thị 50 của Bộ Chính trị chỉ đạo thực hiện 8 biện pháp cụ thể trong đấu tranh phòng chống tham nhũng. Điều quan trọng là phải bảo đảm thực hiện đúng quy định pháp luật về việc bảo vệ người tố cáo; có cơ chế phát huy vai trò giám sát của nhân dân và có khen thưởng xứng đáng người dũng cảm tố cáo hành vi tham nhũng; đồng thời công bố công khai kết quả thanh tra chống tham nhũng và giải quyết tố cáo.

TRẦN BÌNH AN
(quận Bình Thạnh, TPHCM)

Tin cùng chuyên mục