Ngày 16-7, nhiều tờ báo đồng loạt đưa tin Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao (C50) và Công an quận Đống Đa, Hà Nội vừa triệt phá tổ chức hoạt động phát tán tin nhắn lừa đảo người sử dụng điện thoại di động.
Theo đó, 11 bị can đã bị khởi tố, trong đó có 5 bị can bị bắt tạm giam và số tiền mà các công ty này đã móc túi của khách hàng sử dụng điện thoại di động bằng các tin nhắn rác thông qua việc thuê lại đầu số của các nhà mạng như Viettel, MobiFone, Vinaphone… lên đến 23 tỷ đồng. Thủ đoạn của các công ty này không mới, chủ yếu là từ sim rác, họ nhắn vào các thuê bao di động rằng “Chúc mừng thuê bao 09XXX đã nhận được quà tặng âm nhạc. Để nhận quà, soạn tin QT gởi đến 7768”. Tất nhiên, khi thuê bao di động bấm gởi tin nhắn theo cú pháp sẽ mất từ 15.000 - 30.000 đồng/tin nhắn...
Chuyện bây giờ đã rõ, một thời gian dài người sử dụng điện thoại di động phải khổ sở với những tin nhắn rác, báo chí lên tiếng không biết bao nhiêu lần, các nhà mạng chối bay chối biến, phủi tay trách nhiệm thì nay, công an đã “bắt tận tay, day tận mặt” thủ phạm. Điều đáng nói, trong số 23 tỷ đồng “cướp giữa ban ngày” này, các công ty lừa đảo nói trên chỉ được hưởng 45%, số còn lại thuộc về các nhà mạng. Được biết, đây là thỏa thuận bắt buộc đối với bất cứ đơn vị cung cấp dịch vụ nội dung số nào khi ký kết hợp đồng với nhà mạng và nhà mạng “sống chết mặc bây, tiền thầy bỏ túi”, không chịu trách nhiệm pháp lý vì nội dung hợp đồng đều trút hết trách nhiệm cho đơn vị cung cấp dịch vụ nội dung số.
Liệu các nhà mạng có thể dễ dàng phủi tay trách nhiệm, đứng ngoài vụ án nhưng vẫn bỏ túi 55% số tiền lừa đảo từ chính những người đã nuôi sống các nhà mạng bằng tiền thuê bao điện thoại hàng tháng? Chỗ dựa để họ yên tâm trốn tránh trách nhiệm pháp lý chính là bản hợp đồng dịch vụ thuê đầu số với các công ty lừa đảo nói trên, nói nôm na theo kiểu “anh muốn làm gì cũng được, cứ chia 55% là được, tôi không biết gì cả”. Đây là việc cho thuê đầu số dịch vụ - một hoạt động liên quan đến lĩnh vực truyền thông và ảnh hưởng trực tiếp đến hàng triệu thuê bao… Theo các chuyên gia, nhà mạng hoàn toàn có thể kiểm soát các đầu số dịch vụ chỉ với một số lệnh trên máy tính. Ngược lại thời gian trước đây, người sử dụng điện thoại di động thường xuyên nhận được các tin nhắn rác giới thiệu các web đen về khiêu dâm. Báo chí lên tiếng, dư luận phản đối, nhà mạng nói rằng không thể kiểm soát. Khi sự việc trở nên gay gắt, biết rằng không thể làm lơ, các tin nhắn này đã tự động biến mất. Rõ ràng, ít hay nhiều, nhà mạng đều có vai trò nhất định trong việc chi phối hoạt động các dịch vụ số.
Lật ngược vấn đề: Vì sao người sử dụng điện thoại di động dễ dàng bị lừa bởi các tin nhắn rác? Đơn giản là họ tin tưởng vào uy tín của các nhà mạng. Và các công ty lừa đảo nói trên cũng không thể móc túi các thuê bao nếu họ không ký hợp đồng và sử dụng các đầu số dịch vụ của các nhà mạng. Vai trò nhà mạng trong vụ việc này là rất lớn và khó có thể phủi bỏ trách nhiệm.
Sự việc xảy ra tại Hà Nội. Người viết bài này xin cáo giác rằng, ngay tại thời điểm này, tại TPHCM nhiều thuê bao di động vẫn còn nhận tin nhắn rắc “bạn vừa nhận được ca khúc và lời nhắn thay lời muốn nói qua tổng đài 19004515” hay “…qua tổng đài nhịp cầu âm nhạc 19004531”… và mới đây, người viết bài này còn nhận được tin nhắn bán số… lô đề. Chuyện móc túi thuê bao vẫn còn nhan nhản.
Chắc chắn không có thuê bao nào… rảnh để gởi đơn đến cơ quan công an cáo giác và nhận mình là người đã bị lừa đảo, dù thực tế rằng số thuê bao bị lừa là không nhỏ. Và 23 tỷ đồng nói trên không phải là số tiền “trên trời rơi xuống” mà đã được định danh rõ ràng là tiền lừa đảo. Nhận 55% số tiền chia chác này, các nhà mạng liệu có thấy mình “vô tội” ? Đau lòng hơn, người bị lừa đảo là người đã từng nuôi sống các nhà mạng…
HIẾU DÂN (quận 3)