Nhà mạng phải có trách nhiệm với nạn tin nhắn rác

Theo kết quả thống kê do Công ty An ninh mạng Bkav công bố, trong năm 2011 doanh thu từ các tin nhắn giải trí của các nhà mạng và doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nội dung số, có đầu số (CSP) lên đến trên 7.000 tỷ đồng. Đằng sau số thu khổng lồ này là bao nhiêu phiền toái mà người sử dụng điện thoại di động (ĐTDĐ) phải gánh chịu vì những tin nhắn rác lừa đảo. Đó là những tin nhắn mời xem bói, mời cài đặt, mời tham gia dự thi trúng thưởng, thậm chí mời đọc các trang web sex mà không biết chủ nhân của những tin nhắn ấy là ai. Nhưng lẽ nào không có cách ngăn chặn tin nhắn rác mang tính chất lừa đảo?

Dư luận bức xúc, bất bình và quy định xử lý cũng có, nhưng tin nhắn rác vẫn cứ đều đều chạy vào ĐTDĐ của người sử dụng. Các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông cần phải quản lý chặt hơn nữa về nguồn gốc, nội dung các tin nhắn rác để khách hàng không phải phiền hà khi sử dụng. Lâu nay chúng ta chỉ tập trung chặn các số thuê bao đăng tin khuyến mãi mà không để ý rằng làm sao những công ty quảng cáo đó có được thông tin, số thuê bao của khách hàng.

Nhà mạng nghĩ gì khi người sử dụng ĐTDĐ luôn bị làm phiền bằng những tin nhắn quảng cáo? Không thể mặc kệ khách hàng của mình chịu trận với tin nhắn rác. Nếu nhà mạng nào bị than phiền nhiều từ khách hàng về tin nhắn rác thì phải có hình thức xử lý mạnh tay.

Lê Thiên Ngân (Tân Phú, TPHCM)

  • Phiền toái vì những cuộc gọi quảng cáo

Cùng với những tin nhắn rác, suốt 4 tháng qua, ngày nào tôi cũng bị làm phiền bằng những cuộc gọi tới ĐTDĐ. Thật bực mình vì nhiều khi đang rất bận rộn lại nghe cuộc gọi, bắt máy lên là nghe quảng cáo mời sử dụng dịch vụ; lại có khi bên kia vẫn im thin thít, thỉnh thoảng chỉ nghe những tiếng nhạc lạ hoặc những tiếng cười nham nhở phát ra rồi tắt hẳn. Có nhiều đêm, chỉ mới 2 - 3 giờ sáng mà tôi đã bị đánh thức bằng những cuộc gọi hoặc nhá máy liên tục làm mất cả giấc ngủ. Do tính chất công việc nên tôi không thể tắt ĐTDĐ vào ban đêm. Chính vì nắm rõ điều đó nên kẻ giấu mặt hay đùa dai.

Nhiều lần tôi đưa các số lạ vào danh sách đen từ chối cuộc gọi để không bị làm phiền, nhưng đó chỉ là giải pháp tức thời, vì kẻ giấu mặt cứ thay sim liên tục nên không thể nào chặn cuộc gọi hoài được. Còn nhờ đến nhà mạng thì lại càng phiền phức hơn vì phải lưu giữ 5 cuộc gọi (cùng một số) rồi mang ra trung tâm làm thủ tục cho họ kiểm tra. Có 1 số sim quấy rối đã quá phiền rồi, đằng này dễ chừng đến 20 sim khuyến mãi gọi đến, không ai có đủ kiên nhẫn và thời gian để đi đến nhà mạng hoài. Vả lại, nhà mạng có kiểm tra cũng vô tác dụng, vì đây là sim khuyến mãi, họ không đăng ký và dùng xong rồi bỏ thì cũng như mò kim đáy bể. Cũng chính điều này mà đến bây giờ tôi vẫn còn bị làm phiền.

Theo thông tư của Cục Viễn thông về quản lý thuê bao di động trả trước, mỗi khách hàng sẽ đăng ký tối đa 3 sim với một nhà mạng, tức 18 sim với 6 hãng viễn thông. Quy định là thế chứ trên thực tế một số nhà mạng “xé rào” bằng hình thức thêm một số 0 vào trước dãy số chứng minh nhân dân của người đăng ký để được sở hữu thêm một hoặc nhiều số sim nữa. Thật dễ dàng.

Ngoài ra, việc nâng thêm độ dài số thuê bao (lên 11 số) càng phiền toái hơn. Người ta dùng sim khuyến mãi 11 số tràn lan là vì nó không cần phải đăng ký (đã được đại lý đăng ký giúp), cứ sử dụng thoải mái, hết tài khoản thì bỏ và mua sim khác. Lợi dụng sự dễ dãi này, nhiều người đã dùng các số khuyến mãi (11 số) để phá phách, nhắn các tin nhắn rác mang tính chiêu dụ, lừa lọc, đe dọa… khiến cho nhiều thuê bao lâm vào tình cảnh hoang mang, khốn đốn mà chẳng biết nhờ đến ai khi nhà mạng quản lý quá yếu kém và lỏng lẻo.

Trung Thành (Bình Chánh, TPHCM)

Tin cùng chuyên mục