Nhà thuốc GPP cần có lộ trình

Báo SGGP có bài “Thực hiện nhà thuốc GPP - khó nhưng phải làm”, đăng ngày 18-6-2008 là bài viết gây chú ý. Theo quyết định của Bộ Y tế, đến 1-1-2010 nhà thuốc các tỉnh, TP phải đạt “thực hành nhà thuốc tốt” (GPP) gây lo lắng, băn khoăn đối với những người kinh doanh nhà thuốc.

Nhà thuốc phải đạt tiêu chuẩn GPP là quy định của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đặt ra, giúp cho người dân được hưởng những ưu việt do nhà thuốc GPP mang lại. Tuy nhiên, đối với Việt Nam, để quy định trên đi vào cuộc sống cần phải có lộ trình rõ ràng từ nay đến năm 2010.

Như chúng ta đã biết, chỉ cần có số vốn 100-300 triệu đồng là có thể mở nhà thuốc. Tuy nhiên, việc kinh doanh có lãi hay không còn tùy thuộc khu vực có gần bệnh viện, đông dân cư hay nơi nhiều người qua lại.

Theo ước tính mỗi nhà thuốc hàng tháng chưa biết lời bao nhiêu, nhưng chi phí bắt buộc phải bỏ ra gồm: tiền thuê bằng dược sĩ khoảng 2,5-4 triệu đồng, tiền thuê mặt bằng, người phụ bán và tiền thuế mỗi tháng ít nhất mất khoảng 10 triệu đồng.

Nếu như trước kia việc kinh doanh nhà thuốc được nhiều người săn đón vì có lợi nhuận cao, thì nay đã khác, vì từ khi Nhà nước xóa bỏ quy định về khoảng cách mở nhà thuốc (trước đây quy định 500m-200m), nhiều nhà thuốc được mở nên sự cạnh tranh giá bán giữa các nhà thuốc càng gay gắt. Vốn đầu tư và chi phí nhiều nhưng lời chẳng bao nhiêu so với tiền bạc và công sức bỏ ra, nên nhiều nhà thuốc kinh doanh chỉ có huề hoặc lời rất ít.

Theo quy định hiện nay, muốn có nhà thuốc đạt tiêu chuẩn GPP chi phí bỏ ra đầu tư ít nhất khoảng 1 tỷ đồng, chưa kể những tiêu chuẩn khác như nhà riêng biệt, diện tích tối thiểu 10m2… Đối với những nhà thuốc lớn hiện kinh doanh có lãi, với chi phí nêu trên cũng đã khó khăn, nói gì đến những nhà thuốc nhỏ lẻ? Thời gian qua những nhà thuốc chưa đạt chuẩn GPP đã đóng góp một phần tích cực trong việc bảo vệ sức khỏe cộng đồng là điều không còn bàn cãi.

Thế nhưng, quy định bán thuốc theo toa bác sĩ sẽ là bài toán khó cho những nhà thuốc nhỏ, lẻ. Bởi, thu nhập của số đông người dân ta hiện nay còn khiêm tốn so với các nước trong khu vực chứ chưa nói đến những nước phát triển trên thế giới.

Chi phí cho tiền thuốc vì thế cũng rất hạn chế. Mỗi lần đi bệnh viện tiền khám ít nhất cũng tốn 20.000 đồng/lần, chưa kể tiền thuốc. Số tiền này đối với một số người, đủ để mua vài liều thuốc ở nhà thuốc nhỏ lẻ gần nhà để trị những bệnh thông thường.

Do đó, việc quy định bán thuốc theo toa bác sĩ chỉ có thể thực hiện ở những nơi gần bệnh viện hay phòng khám bác sĩ tư. Muốn để người dân mua thuốc theo toa thì Nhà nước phải tạo điều kiện cho người dân được khám chữa bệnh theo thẻ bảo hiểm y tế và mạng lưới khám chữa bệnh công phải được mở ra rộng khắp, nhất là vùng sâu vùng xa. Có như thế việc áp dụng nhà thuốc GPP mới khả thi.

Thiết nghĩ, Bộ Y tế và các cơ quan quản lý nhà nước cần nghiên cứu để có lộ trình hợp lý trong việc thực hiện nhà thuốc GPP như bắt đầu áp dụng cho những nhà thuốc gần bệnh viện, các cửa hàng bán dược phẩm tại những trung tâm mua bán dược phẩm và những nhà thuốc ở quận nội thành, nội tỉnh cho quen, sau đó mới nhân rộng ra.

Ngoài ra, cần khuyến khích các công ty sản xuất và kinh doanh dược phẩm tham gia mở nhà thuốc, mở rộng đại lý bán thuốc với những chính sách ưu đãi như giảm thuế, bảo lãnh cho trung cấp dược được mở nhà thuốc… Riêng đối với những nhà thuốc nhỏ lẻ khu vực ngoại thành hay vùng sâu vùng xa, cần có thêm thời gian dài để chuyển đổi thành nhà thuốc GPP.

Lê Tăng Định (Công ty TNHH
một thành viên Dược phẩm và sinh học y tế)

Tin cùng chuyên mục