Nhân tài hội tụ tại VinAI Research: Khát vọng giải bài toán của người Việt

Nếu nghiên cứu ở nước ngoài, vẫn là những công bố quốc tế, dù vinh quang trên đỉnh thành công nhưng là giải bài toán của “người ta”. Tại sao đó không phải là những nghiên cứu giải bài toán và ứng dụng cho người Việt? Những câu hỏi này thôi thúc nhiều nhà khoa học đang nghiên cứu đỉnh cao trên thế giới trở về Việt Nam, hội tụ tại Viện Nghiên cứu Trí tuệ nhân tạo (VinAI Research) thuộc Tập đoàn Vingroup.
Đội ngũ các chuyên gia của VinAI Research có 3 người đến từ thung lũng Silicon, 3 người từng được giải Toán quốc tế
Đội ngũ các chuyên gia của VinAI Research có 3 người đến từ thung lũng Silicon, 3 người từng được giải Toán quốc tế

Điểm trùng khát vọng…

Sau hai tháng VinAI Research (VinAI) tuyên bố ra mắt, TS Bùi Hải Hưng với vai trò Viện trưởng - một cựu chuyên gia của Google DeepMind tự hào với lớp nhân sự đầu tiên: “Tôi đang có hơn 10 thành viên lớp đầu, trong số này có 3 nhân sự đến từ thung lũng Silicon, 3 nhân sự từng được giải Toán quốc tế. Đây là con số vượt quá kỳ vọng của tôi trong thời gian ngắn như vậy”.

Chẳng phải ngẫu nhiên chỉ trong thời gian ngắn có thể tập hợp những nhân sự đình đám trong một viện nghiên cứu khi họ đang ở những nơi có môi trường thuộc Tốp của Silicon Valley (Mỹ), song ở họ có những điểm trùng khi được chia sẻ, chinh phục mục tiêu mới. TS Bùi Hải Hưng kể, khi anh chia sẻ ý tưởng với lãnh đạo Tập đoàn Vingroup về một viện nghiên cứu trí tuệ nhân tạo của người Việt. Tại đây sẽ có những nhóm nghiên cứu mạnh, hướng đến các nghiên cứu đỉnh có tác động cao, đẩy nhanh các ứng dụng AI ở Việt Nam, khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đồng thời đào tạo, phát triển nhân tài trong lĩnh vực này. Ý tưởng này nhanh chóng được ủng hộ và anh trở thành người giương ngọn cờ đầu, đặt viên gạch cho VinAI.

Sự trở về của TS Hưng đã tạo ra một sự lan tỏa. Với mục tiêu anh đặt ra cho Viện VinAI, những người bạn của anh đang làm ở Mỹ như GS Nguyễn Minh Hoài, GS Lưu Khoa - chuyên ngành nghiên cứu thị giác máy tính, nhận dạng và phân tích dữ liệu ảnh cũng thấy hào hứng và quyết định trở thành một phần của dụ án VinAI. Ngay cả TS Yasin Abbasi-Yadkori, chuyên về khoa học máy tính, đang làm tại phòng thí nghiệm thuộc dạng Tốp ở Silicon Valley cũng quyết theo dù trước đó chưa từng đến Việt Nam. Theo TS Hưng, sở dĩ những nhân sự đang làm việc ở những môi trường Tốp trên thế giới đưa ra quyết định nhanh như vậy, sự lan tỏa từ anh chỉ một phần, quan trọng hơn nữa là sự ủng hộ của Vingroup rất quan trọng. “Tôi giương ngọn cờ nhưng mọi người cũng phải thấy sự ủng hộ rất hùng hậu từ Vingroup. Tôi muốn chia sẻ thêm, tôi và anh Phạm Nhật Vượng đều nhất quán rằng việc đầu tư cho dự án VinAI là đầu tư dài hạn. Bởi nếu chỉ việc tôi trở về, ban đầu họ có thể thấy thú vị, song cân nhắc và xem xét sâu hơn, thì họ phải tính toán bài toán lợi ích, dự án có bền vững và dài hạn không? Khi đó phải là sự cam kết từ phía tập đoàn để mọi người chắc chắn, an tâm với dự án và lựa chọn”.

GS Nguyễn Minh Hoài, người từng đoạt Huy chương vàng IMO cho biết, anh có nhiều năm công tác ở nước ngoài nhưng vẫn luôn hướng về Việt Nam. Trong suy nghĩ luôn giằng co ở lại hay trở về. Thực tế công việc nghiên cứu của anh ở Silicon Valley cũng nhiều thuận lợi nhưng cũng có những khó khăn. Anh tâm sự: “Để có thêm một bài báo công bố quốc tế là không phải đơn giản, vậy mà khi đạt rồi lại không cảm thấy vui. Lý do là vì khi đó đang giải quyết bài toán của nước ngoài (có thể tốt trong việc mang lại học thuật) nhưng không mang lại niềm vui vì thấy không giúp ích nhiều cho xã hội Việt Nam. Tại sao làm nhận dạng ảnh cho người dân nước Mỹ, Nhật nhưng không phải là bài toán cụ thể hơn ở Việt Nam?”. Câu hỏi đó được trả lời khi GS Hoài nhận được lời mời và thấy có thể chia sẻ mục tiêu lớn mà VinAI đặt ra. Anh nhìn thấy nhiều cơ hội nghiên cứu khi dựa vào mục tiêu TS Bùi Hải Hưng chia sẻ.

Cũng có suy nghĩ như GS Hoài, TS Lưu Khoa có hơn 15 năm làm việc ở Canada và Mỹ có dịp tiếp xúc với nhiều người nghiên cứu, có cả xuất sắc và bình thường. Khi ra nước ngoài Khoa thấy sinh viên của họ không quá giỏi so với sinh viên Việt Nam nhưng họ có đường hướng và được chuẩn bị rất tốt nên đi đến thành công nhanh và thuận lợi. “Tôi muốn quay về vì muốn hỗ trợ các bạn sinh viên Việt Nam đi đúng hướng từ kinh nghiệm của bản thân để các bạn đi tiếp xúc với những điều mới mở ra tương lai tốt hơn cho các bạn”, TS Khoa nói và cho biết mong muốn đó có cơ sở khi thấy chủ trương từ VinAI có nhiều điểm khác biệt, không tập trung vào sản xuất hay sản phẩm mà có cả nghiên cứu cơ bản. Chúng tôi sẽ chỉ ra cho các bạn trẻ thấy được đâu là đề tài nóng, nghiên cứu quan trọng, truyền đạt kinh nghiệm, giúp các bạn sinh viên không vấp phải khó khăn như những người nghiên cứu trước đó từng gặp”, TS Khoa chia sẻ.

Nghĩ và làm khác biệt…

Từng kinh qua nhiều nơi làm việc TS Lưu Khoa chỉ ra điểm khác biệt khi về làm việc tại VinAI và văn hóa của Vingroup đó là nhanh, thần tốc và thực tế. Cũng như trong khoa học, không phải ai nghĩ ra trước mà là ai làm trước, ai ra được kết quả trước. Văn hóa này được xây dựng trên nền tảng đội ngũ hỗ trợ hùng hậu, cơ sở hạ tầng đầy đủ (hệ thống siêu máy tính, hệ thống camera) sẽ tạo cơ sở dữ liệu quan trọng, hỗ trợ rất nhiều cho lĩnh vực AI.

Nhân tài hội tụ tại VinAI Research: Khát vọng giải bài toán của người Việt ảnh 1 Các chuyên gia hàng đầu về AI thế giới cho biết: Họ quay về vì muốn hỗ trợ các bạn sinh viên Việt Nam đi đúng hướng, từ kinh nghiệm của bản thân để giúp các bạn đi tiếp xúc với những điều mới mở ra tương lai tốt hơn
Nhưng với Yasin Abbasi-Yadkori, điểm thú vị lôi cuốn anh là cách nghĩ, chọn mục tiêu khác biệt và tham vọng ở dự án VinAI.  Khi nghe TS Bùi Hải Hưng chia sẻ ý tưởng về một đơn vị khởi nghiệp VinAI ở Việt Nam, với những định hướng và những con người sẽ về đây anh thấy đầy tiềm năng. “Tôi thấy khác với các viện nghiên cứu ở Mỹ hay châu Âu họ vốn dĩ có nền nghiên cứu phát triển có nhiều công ty công nghệ sau lưng, họ có các khu như Silicon Valley, nhưng ở Việt Nam thì khác hoàn toàn. VinAI khởi đầu có tham vọng đạt được thành tựu trong điều kiện khác biệt nên tôi thấy rất đáng nghiên cứu và muốn tham gia vào thử thách này. Tôi muốn là một phần của dự án đó”, TS Yasin nói.
Theo TS Bùi Hải Hưng, VinAI được Vingroup cam kết đầu tư với tầm nhìn dài hạn, với tổng số tiền đầu tư trong vòng 5 năm đầu trên 1 ngàn tỷ đồng. Mọi sự mới đang khởi đầu. Những nhân sự hiện tại được xem như viên gạch nền móng để tạo lực cho ngôi nhà mà anh ví “không thua kém Lab nào trên thế giới. Tiêu chí cho các ứng viên khi phỏng vấn cao như ở Silicon Valley”, TS Hưng nói và cho biết anh đang cạnh tranh ngang ngửa với các Tốp Lab ở Silicon Valley để những người đến làm việc ở đây cũng tự hào vì được làm việc cùng đội ngũ chất lượng và điều kiện gia nhập team của mình. Khi mọi người thấy team đẳng cấp chất lượng - chúng tôi sẽ đón nhận tiếp các bạn tiếp theo, không nhất thiết phải từ Mỹ, nhưng nếu đạt các tiêu chuẩn thì tôi sẽ mời họ về. Ngoài việc tiếp tục mời những người như trên, sẽ có những nhân sự ở cấp độ ít kính nghiệm hơn, nhưng cũng sẽ rất giỏi.

“Chất lượng con người liên quan chất lượng công việc. Nếu mình đặt ra mục tiêu cao mà không tuyển được nhân sự giỏi thì họ có làm cả ngày lẫn đêm cũng không đáp ứng được tiêu chuẩn. Nhưng quan trọng hơn cả, những con người ở đây phải chung khát vọng, cầu toàn và quyết tâm chinh phục đỉnh cao”, TS Bùi Hải Hưng tâm sự và mong muốn tìm được thêm những đồng nghiệp chia sẻ mục tiêu ở VinAI.

Ngày 6-6 tại Hà Nội và 8-6 tại TP Hồ Chí Minh, Viện Nghiên cứu AI và Công ty Cổ phần Giải pháp và dịch vụ Công nghệ Vantix đồng tổ chức hội thảo chuyên đề: “AI Day - From Research to Application”. Hội thảo tập trung vào những vấn đề chuyên sâu của AI từ nghiên cứu đến ứng dụng, nhằm đem đến cái nhìn toàn cảnh về Trí tuệ nhân tạo. Buổi hội thảo có sự tham gia và chia sẻ từ mười diễn giả là các chuyên gia hàng đầu về AI trên toàn thế giới. Website Viện VinAI: www.vinai.io.

Tin cùng chuyên mục