>> Nhiệt điện gây tổn hại môi trường
>> Nhà máy nhiệt điện có gây ô nhiễm khu Nam TPHCM?
>> Nhiệt điện gây tổn hại môi trường
Báo SGGP ngày 21-3 có 2 bài Nỗi lo nhiệt điện và Nhà máy nhiệt điện có gây ô nhiễm khu Nam TPHCM?, trở thành câu chuyện cuốn hút sự quan tâm của đông đảo người đọc. Cũng đúng thôi, bởi lẽ việc quy hoạch xây dựng hàng loạt dự án nhiệt điện khiến nhiều người lo ngại sẽ xảy ra tình trạng ô nhiễm khói bụi từ các nhà máy nhiệt điện như đã xảy ra ở Bình Thuận, Trà Vinh…
Khoan nói chuyện trong nước, mà nhìn ra nước láng giềng Philippines. Mới đây, người dân thành phố Mandaluyong đã yêu cầu đóng cửa nhà máy nhiệt điện than SMC gây ô nhiễm do Tập đoàn San Miguel đầu tư. Nhà máy này chỉ có công suất 300MW và đang dự kiến nâng công suất lên gấp đôi vào năm nay. Phản ứng của người dân bắt nguồn từ việc tro bụi từ nhà máy đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người dân, dù phía chủ đầu tư khẳng định tro bụi than chỉ phát sinh trong khu vực nhà máy, không gây ô nhiễm nước và không khí. Trước đó, tháng 4-2016, Hội đồng thành phố Cebu đã bác bỏ đề xuất của Tập đoàn Năng lượng Ludo về việc xây nhà máy nhiệt điện than 300MW tại đây. 8 tháng sau, Ludo trình lại dự án nhưng vẫn bị từ chối và thị trưởng thành phố đã nói về nhà máy 300MW: “Đây thực sự là con quái vật, tương đương với 250 xe tải chở than mỗi ngày”. Một thông tin khác đáng xem xét hơn: Tân Hoa Xã ngày 19-3 vừa đưa tin: “Nhà máy nhiệt điện than cuối cùng ở thủ đô Bắc Kinh đã ngừng hoạt động vào ngày 18-3 nhằm cải thiện chất lượng không khí, và Bắc Kinh trở thành thành phố đầu tiên của Trung Quốc từ bỏ nhiệt điện than, hướng đến sử dụng các nguồn năng lượng sạch như khí đốt tự nhiên, điện gió…”.
Khí thải nhà máy nhiệt điện đốt than gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng (Ảnh minh họa)
Nhìn lại trong nước, chúng ta không thể giật mình khi theo báo cáo của Bộ Công thương, cả nước hiện có 20 nhà máy nhiệt điện than đang vận hành với tổng công suất là 13.110MW, tiêu thụ 45 triệu tấn than/năm, thải ra lượng tro xỉ lên đến 15,7 triệu tấn/năm. Chỉ chừng đó nhà máy nhiệt điện than là đã quá khủng khiếp, gồm những cái tên quen thuộc đối với dư luận như Vĩnh Tân 1, 2, 3 và nay đang xây dựng Vĩnh Tân 4, rồi Duyên Hải 1, 3, đang xây dựng Duyên Hải 2 và tiếp tục mở rộng Duyên Hải 3… Theo Quy hoạch điện 7 (đã có điều chỉnh) cho giai đoạn 2011-2020 có xét đến năm 2030, sẽ có thêm 12 dự án nhiệt điện than với tổng công suất lắp đặt nâng lên 24.370MW. Trong đó, Trung tâm Điện lực Long An với tổng vốn đầu tư 5 tỷ USD là một dự án đang được xúc tiến thương thảo về vị trí.
Xét về quy mô, những dự án nhiệt điện than ở nước ta đều là những dự án “khủng” cả về vốn đầu tư, công suất thiết kế. Một điều dễ thấy: Trước khi đầu tư, chủ đầu tư đều công bố quy trình công nghệ ứng dụng nghe rất “kêu”, nào là “công nghệ nhiệt điện ngưng hơi truyền thống”; “thông số hơi trên tới hạn, hiệu suất cao, phù hợp với nhiên liệu than nhập khẩu có chất lượng tốt”; “xả thải từ công nghệ ướt sang khô”… Nhưng hãy gõ Google với các từ khóa “nhiệt điện Vĩnh Tân” hay “nhiệt điện Duyên Hải”, có thể thấy đã có rất nhiều bài báo phản ánh nỗi khổ của người dân Bình Thuận, Trà Vinh quanh chuyện tro bụi, xỉ thải từ than. Đến độ hồi năm ngoái, một lãnh đạo tỉnh Trà Vinh đã phải kêu lên về chuyện tìm “đầu ra” cho xỉ than: “Diện tích 80ha mà hiện nay đã sử dụng hết gần 40ha. Hơn nữa, mỗi ngày sử dụng 14.000 - 15.000 tấn than, phát ra 4.000 - 5.000 tấn tro bụi, nên tiềm ẩn nguy cơ phát tán rất lớn”.
Nhiệt điện than ở Long An, dù chọn đặt tại Cần Giuộc hay Cần Đước, không ai dám đoan chắc sẽ không ảnh hưởng môi trường, nhất là cận kề TPHCM về phía Nam, “dù có sử dụng công nghệ hiện đại đến đâu” - như ý kiến các nhà khoa học. Đó là chưa kể những chuyện không nhỏ khác như giá than nhập khẩu, bài toán “đầu ra” cho hàng triệu tấn xỉ than thải ra… Sau bài học về nhà máy đường công nghệ cũ rồi xi măng lò đứng, lẽ nào con cháu chúng ta trong tương lai gần sẽ tiếp tục đương đầu với xỉ than, tro bụi, trong khi các nước đã “nói không” với nhiệt điện than.
VÕ THANH LÊ (quận 1, TPHCM)